Tác phẩm của tác giả - Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt ra mắt tháng 12, Nhà xuất bản Trẻ ấn hành. Sách gồm tám chương, giới thiệu sự xuất hiện của xe tăng, thiết giáp ở Việt Nam, sự ra đời và trưởng thành của Binh chủng Tăng thiết giáp, hay chiến công của xe tăng 555.
Dịp này, VnExpress đăng một số trích đoạn trong chương năm - Vượt qua mưa bom bão đạn đưa xe tăng vào các chiến trường, tên phần trích do tòa soạn đặt.
Cuộc nhào lộn bất đắc dĩ
Để đưa xe tăng từ miền Bắc vào chiến trường B2 thường phải đi theo lộ trình sau: Vượt Trường Sơn sang Lào, chạy dọc cao nguyên Nam Lào, qua khu vực Ngã ba Đông Dương sang đất Campuchia rồi vượt biên giới về lại Việt Nam. Nhìn chung, đường mòn Hồ Chí Minh phía tây Trường Sơn tương đối dễ đi trừ khu vực tiếp giáp giữa hai tỉnh Savannakhet và Salavan (Lào).
Ở đây, một nhánh của dãy Trường Sơn với độ cao trên dưới 1.000 m đâm ngang sang phía Tây như để cân bằng với dãy Bạch Mã bên phía đông. Bởi vậy, đoạn đường này rất quanh co hiểm trở, nhiều cua gấp, dốc cao, sương mù dày đặc, trong đó nổi tiếng là con đèo Ampun hiểm trở. Lại do ở khá sâu, công tác bảo đảm của Đoàn 559 không được như ở phía ngoài nên đường rất hẹp và xấu. Cánh lính lái xe trên tuyến 559 khi nói đến con đèo này đều gật gù: "Không kém gì Cổng Trời".
Một ngày đầu tháng 3/1972, chờ khi mặt trời đã xuống và do thám trên không OV-10, L-19 đã cút, Đại đội xe tăng 6 - trang bị 11 chiếc T-54, T-59 do Đại đội trưởng Đặng Tuyên và Chính trị viên Lê Văn Lực chỉ huy - bắt đầu vượt đèo. Trong ánh sáng đèn gầm, những chiếc xe tăng nặng nề lầm lũi vượt đèo. Tiếng động cơ lúc đều đều, lúc lại gằn lên khi phải vượt qua những đoạn có độ dốc lớn. Một số xe động cơ quá nóng còn phụt cả lửa ra cửa xả. Dưới sức nặng của xe, đất đá bên phía ta luy âm lả tả rơi mỗi khi xích xe lăn qua.
Đi gần cuối đội hình của đại đội là xe tăng số 915 do Trung đội trưởng Tiến chỉ huy và lái xe Chỉnh điều khiển. Khi vượt qua một đoạn dốc, Chỉnh phát hiện thấy xe bị rệ sang phải. Theo sự chỉ huy của trưởng xe Tiến, Chỉnh cho xe lùi lại song đuôi xe lại đụng vào sườn ta luy dương nên phải dừng lại. Đang loay hoay chưa biết xử trí thế nào thì đất dưới băng xích bên phải tiếp tục lở. Xe 915 từ từ đổ nghiêng do có mấy cây to cản lại, song khi nó đã nghiêng hẳn thì nó đè gãy cả cây và bắt đầu hành trình nhào lộn xuống đáy vực sâu hun hút.
Nhìn chiếc xe tăng lăn lộn xuống vực sâu không thấy đáy, ai trong đơn vị và cả các chiến sĩ công binh cũng đều cho rằng kiểu gì xe cũng hỏng, còn người không chết cũng bị thương nặng. Ấy thế nhưng khi đội cứu hộ lần xuống đến nơi thì tất cả đều sững người ngạc nhiên: Tất cả thành viên trên xe đều còn sống và chỉ bị bầm tím, xây xát nhẹ, còn xe cũng không hỏng hóc gì trừ khẩu cao xạ 12 ly 7, và thật may mắn là nó đang nằm ở tư thế bình thường dưới đáy vực. Ai cũng bảo: "Thật là thần kỳ".
Sự thần kỳ không ngẫu nhiên
Chưa có một con số thống kê cụ thể nào song những ai thường qua lại trên đường Trường Sơn những năm chiến tranh đều có suy nghĩ: Phương tiện đã lăn xuống vực thì chỉ có hỏng mà thôi. Đối với xe tăng, thiết giáp cũng vậy. Đã có xe tăng T-34 bung tháp pháo ra ngoài, hoặc xe thiết giáp BTR-60PB bị gãy hết cầu bánh xe khi lăn xuống vực.
Trường hợp xe 915 quả thật là một sự thần kỳ nhưng là thần kỳ có cơ sở và hoàn toàn không ngẫu nhiên. Trước hết, có thể nói đó là do xe tăng T-54 có một kết cấu hết sức chắc chắn, các cơ cấu cụm máy, đạn dược, phụ tùng trên xe được cố định rất chặt chẽ với thân xe nên khi lăn lộn nhiều vòng tất cả bộ phận đó vẫn nằm nguyên vị trí và không bị hư hỏng gì (trừ khẩu 12 ly 7 lắp ngoài tháp pháo). Riêng tháp pháo của T-54 có sự liên kết với thân xe chắc chắn hơn so với T-34 nhờ kết cấu đặc biệt của vành răng tháp pháo. Trước khi hành quân đường dài, nó lại được tăng cường thêm một giá cố định nòng pháo hàn vào phía sau buồng truyền động nữa, nên cũng không bị bung ra và pháo vẫn còn nguyên vẹn. Ngay cả các bộ phận, phụ tùng hay bị tháo lắp hoặc dễ dàng thay thế, bổ sung như bộ ắc quy, đạn pháo, các thùng đạn đại liên nhờ được lắp đặt, cố định đúng vị trí, đúng quy tắc nên khi xe lăn, chúng vẫn nằm nguyên tại vị, không hề bị xê dịch, rơi vãi và móp méo.
Thứ hai, vị trí của các thành viên trong xe đều có kích thước hợp lý, ghế ngồi kết cấu chắc chắn, các tay vịn, tựa lưng được lắp chặt chẽ đúng vị trí. Khi phát hiện xe bị lăn xuống vực, các thành viên đều bình tĩnh ở đúng vị trí của mình, dùng tay bám chặt vào các bộ phận xung quanh nên chỉ bị bầm tím và xây xát nhẹ. Thứ ba, nói cho công bằng, khe vực đó cũng không quá sâu - chỉ khoảng 100 mét so với mặt đường. Nếu vực sâu hơn, kết quả có thể sẽ khác đi.
Lòng kiên trì và quyết tâm của con người đã thắng.
Trước tình hình như vậy, Ban Chỉ huy tiểu đoàn đã hội ý và đề ra quyết tâm là phải cố gắng cứu lấy xe 915 để tiếp tục đưa vào chiến trường tham gia chiến đấu. Giải pháp được đưa ra là một mặt đơn vị tiếp tục hành quân cho kịp thời gian, chỉ để lại một số xe phục vụ cứu kéo, một mặt đề nghị công binh Đoàn 559 giúp đỡ.
Sau khi đơn vị cho người vào liên hệ với Binh trạm 26 ở nam Chà Vằn, binh trạm đồng ý cho một tiểu đoàn công binh đến chi viện. Với kinh nghiệm mở đường lâu năm, lực lượng công binh đã nhanh chóng xác định được hướng tuyến và bắt đầu công tác mở đường cứu kéo. Do độ chênh cao thì lớn mà quãng đường lại ngắn nên công binh phải mở đường theo hình zic-zắc để giảm độ dốc. Lại tiến hành trong điều kiện phải giữ bí mật trước con mắt rình mò của các loại máy bay trinh sát nên mất đúng một tuần con đường cứu kéo mới mở xong.
Trong quá trình công binh mở đường, đơn vị xe tăng cũng cử thợ đến cùng với kíp xe kiểm tra lại tình trạng kỹ thuật của xe 915, căn chỉnh lại các cơ cấu điều khiển, bổ sung đầy đủ dầu mỡ làm nhờn, nước làm mát. Sau khi đường làm xong, xe 915 tự nổ máy và cùng với sự hỗ trợ của hai xe nữa đã lần lượt vượt qua từng đoạn dốc một để lên tới mặt đường trong tiếng reo vui của tất cả những người có mặt. Xe 915 sau đó lại tiếp tục hành quân vào chiến trường B2 để tham gia chiến đấu, song sự cố của xe cũng để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý giá cho những người chỉ huy trong quá trình tổ chức hành quân đường dài trên những cung đường hiểm trở.
Không có phà thì chở xe tăng bằng thuyền gỗ
Để chuẩn bị cho cuộc tiến công chiến lược năm 1972 tại chiến trường Nam bộ, cuối năm 1971, Tiểu đoàn xe tăng 2, Lữ đoàn 203 trang bị gần 40 xe tăng và pháo cao xạ tự hành do Tiểu đoàn trưởng Ngô Xuân Nghiêm và Chính trị viên Lê Đình Hoán chỉ huy nhận nhiệm vụ hành quân vào B2.
Sau khi vượt hơn 1.000 km đường Trường Sơn dưới sự ngăn chặn vô cùng ác liệt của không quân Mỹ, cuối tháng 3/1972, Tiểu đoàn đã qua khu vực Ngã ba biên giới và sang địa phận Campuchia. Sang đây, địa hình khá bằng phẳng và độ cao giảm dần nên hành quân có phần thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, tại đây đơn vị đã phải đối mặt với một trở ngại vô cùng lớn. Trước mặt đơn vị là con sông Sê San, một phụ lưu của sông Mekong, bắt nguồn từ bắc và trung Tây Nguyên rồi chảy sang phía Campuchia và là con sông lớn nhất vùng đông bắc đất nước này. Cái khó khăn nhất là sông thì rộng song công binh chưa đưa được phà hoặc cầu phao vào. Tiểu đoàn xe tăng đầu tiên hành quân vào Nam bộ đứng trước tình thế "tiến thoái lưỡng nan". Câu hỏi lớn nhất làm đau đầu cả Ban Chỉ huy và từng người lính là làm sao vượt được sông để kịp vào tham gia chiến dịch?
Trong khi chưa biết xử lý thế nào, họ chỉ biết điện báo lên cấp trên đề nghị giúp đỡ. Những lời kêu cứu của đơn vị đã nhanh chóng được gửi tới Bộ Chỉ huy Miền. Nhiệm vụ đó được giao cho lực lượng công binh và vận tải của Miền nghiên cứu khắc phục. Trong điều kiện không thể đợi đưa phà dã chiến vào được, với kinh nghiệm đã từng chuyên chở một số loại hàng có khối lượng lớn từ trước, các lực lượng vận tải của Miền đã đề xuất sáng kiến: Dùng thuyền gỗ ghép lại để chở xe tăng!
Mới nghe, không ai tin được điều đó nhưng sau khi nghe họ trình bày thì thấy cũng có lý. Giải pháp cụ thể là: Xếp 10-12 chiếc thuyền loại thân dài thon, trọng tải 4-5 tấn/chiếc lại theo kiểu tráo đầu đuôi để đuôi tôm (chân vịt) quay ra hai bên, sau đó dùng các tấm gỗ ván dài và dày (ở vùng này gỗ rất sẵn) liên kết chúng lại thành một khối chắc chắn tựa như một cái phà. Việc điều khiển cả khối này sẽ được tiến hành theo sự chỉ huy thống nhất, đảm bảo cả khối có thể di chuyển một cách linh hoạt theo các hướng. Đại khái như quân của Tào Tháo đã ghép thuyền lại với nhau tại Xích Bích trong truyện Tam Quốc diễn nghĩa.
Sau khi nghe trình bày và xem thao diễn thử, các chỉ huy xe tăng thấy về mặt lý thuyết là hoàn toàn có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, khó khăn nhất là khi đưa xe xuống hoặc lên bởi lúc đó, khối lượng xe phân chia không đều, có thể làm cho những chiếc thuyền ở đầu và cuối khối bị dìm sâu xuống dẫn đến nước tràn vào. Ngoài ra, khi xe tăng dịch chuyển trên phà nếu không chính xác và khéo léo có thể làm đứt gãy các mối liên kết giữa các thuyền và lúc đó nguy cơ chìm xe là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, cũng chẳng còn cách nào hơn ngoài cách khắc phục những khó khăn đó để đến đích kịp thời gian. Tất cả những khó khăn đó được nêu ra và bàn thảo giữa hai bên.
Cuối cùng, thống nhất giải pháp là bên công binh chịu trách nhiệm làm bến xuống, bến lên thật vững chắc, có giải pháp chèn chống các vị trí quan trọng để tránh chìm thuyền. Về phía đơn vị xe tăng cần chọn lái xe thật giỏi, luyện tập kỹ càng và sẵn sàng các phương tiện cứu kéo đề phòng tình huống xấu nhất xảy ra. Và lái xe Nguyễn Công Thành, người nổi tiếng lái giỏi và có kinh nghiệm nhất trong số lái xe, đã được lựa chọn.
Sau vài buổi luyện tập, ngày chính thức đưa xe tăng qua sông cũng đến. Lái xe Nguyễn Công Thành vào xe nổ máy. Tất cả hồi hộp căng mắt nhìn theo chiếc xe tăng nặng hơn 30 tấn, dưới sự điều khiển của Thành và sự chỉ huy của Tiểu đoàn phó kỹ thuật Võ Văn Chơi, nhẹ nhàng bò lên "phà". Tất cả diễn ra đúng như dự kiến. Con phà tự tạo hoàn toàn chịu được sức nặng của chiếc xe tăng. Dưới sự chỉ huy thống nhất, các máy đuôi tôm đồng loạt nổ và đưa con phà nặng trĩu rời bến từ từ tiến qua sông. Chưa đầy 10 phút, phà đã cập bến phía Nam. Chiếc xe tăng lại từ từ bò lên bờ trong tiếng reo mừng của những người có mặt. Ngay trong đêm đó, đại đội đầu tiên của tiểu đoàn đã qua sông trót lọt.
Với kinh nghiệm đã có được, trong những đêm sau, việc qua sông còn thuận lợi, nhanh chóng hơn. Nhờ sáng kiến này, ngày 2/4/1972, đại đội đầu tiên của tiểu đoàn đã có mặt tại vị trí tập kết và chỉ năm ngày sau họ đã tham gia trận đánh đầu tiên tại Lộc Ninh, giành thắng lợi vang dội mở màn cho chiến dịch Nguyễn Huệ tại chiến trường B2.
Phần một. Hết trích đăng.
Tác giả - Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt nguyên là chiến sĩ lái tăng số 380, Đại đội 4, Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2. Ông từng ra mắt các cuốn: Bút ký lính tăng - Hành trình đến dinh Độc Lập,1 chọi 10 - Trận đấu tăng bi tráng. Ấn phẩm hướng đến kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), cùng với cuốn Bầu trời - Trường đại học của tôi của Trung tướng - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đức Soát.
(Trích sách Xe tăng trong chiến tranh ở Việt Nam, NXB Trẻ)