Blogger quân sự Nga Colonel Cassad ngày 17/4 đăng video quay bằng máy bay không người lái (UAV), cho thấy xe tăng của Lữ đoàn số 5 Nga được bọc giáp "mai rùa" phủ kín thân, chỉ trừ mặt trước, cùng một phương tiện chiến đấu khác áp sát phòng tuyến Ukraine tại thành phố Krasnogorovka ở tỉnh Donetsk.
Khi di chuyển trên cánh đồng trống, hai phương tiện liên tục bị pháo binh Ukraine nhắm mục tiêu, nhưng không hứng thiệt hại và tiếp tục tiến lên.
Trong đoạn sau của video, chiếc "xe tăng mai rùa" chỉ còn di chuyển một mình, đi xuyên qua rặng cây, len lỏi qua khu vực có nhiều tòa nhà rồi vòng về. Đoạn cuối video cho thấy xe tăng bị tập kích khi di chuyển trên con đường rộng, song quả đạn bắn trượt mục tiêu.
"Chiếc xe đi vòng quanh Krasnogorovka, đến được nhà máy sản xuất ở trung tâm thành phố, rồi rời đi một cách thoải mái. Kíp lái thật sự rất gan dạ", tài khoản này viết. "Những kẻ cười nhạo nó nên cảm thấy xấu hổ".
"Xe tăng mai rùa Nga, thứ bị mọi người chế giễu, đã chở lính Nga tới khu vực trung tâm ở phía tây Krasnogorovka dưới hỏa lực dữ dội của pháo binh Ukraine, không hề hấn gì, rồi quay trở lại căn cứ", nhà báo Julian Ropcke của tờ Bild, Đức, viết trên X. "Lực lượng phòng thủ Ukraine đâu rồi?".
Trong bình luận tiếp theo phía dưới bài đăng, nhà báo Đức chỉ ra rằng xe tăng Nga đã trúng đạn chùm DPICM do Mỹ chuyển giao cho Ukraine, nhưng không chịu thiệt hại gì. "Mọi người từng thảo luận rất nhiều về việc chuyển giao 'đạn chùm chết chóc' cho Ukraine, song cuối cùng nó cũng không đem lại nhiều khác biệt", Ropcke nhận định.
Một tài khoản X lập luận rằng đạn chùm được thiết kế để chống bộ binh hơn là các mục tiêu kiên cố như xe tăng, thiết giáp, nên không thể gây hư hại "xe tăng mai rùa" Nga. Một người dùng khác cho rằng quân đội Ukraine đang thiếu hụt đạn được nên buộc phải dùng loại đạn không hiệu quả với tăng thiết giáp để tập kích khí tài Nga.
Bộ Quốc phòng Ukraine, Nga chưa bình luận về thông tin.
Hình ảnh về "xe tăng mai rùa" Nga trên chiến trường xuất hiện lần đầu tiên trong video đăng trên mạng xã hội ngày 9/4. Video được cho là quay gần Krasnogorovka, cho thấy một chiếc T-72 lắp giáp "mai rùa" dẫn đầu mũi xung kích di chuyển trên đường.
Đây dường như là phương pháp tự chế của lính Nga nhằm bảo vệ xe tăng khỏi thiết bị bay không người lái cỡ nhỏ góc nhìn thứ nhất (drone FPV). Loại khí tài này sở hữu tính cơ động cao, có khả năng xuyên qua các kẽ hở trên giáp lồng truyền thống để lao vào mục tiêu.
Việc phủ kín gần như toàn bộ phương tiện theo kiểu "mai rùa" giúp xe tăng Nga có thể chống lại các đòn đánh như vậy. Tuy nhiên, phương pháp này làm hạn chế khả năng quay của tháp pháo, giảm tầm quan sát của kíp lái, tăng trọng lượng và giảm tính cơ động của xe, theo chuyên gia quân sự Tyler Rogoway của War Zone.
"Xe tăng mai rùa" gần đây trở thành mục tiêu châm biếm của những người ủng hộ Ukraine. Một tài khoản mạng xã hội gọi nó là "xe tăng ninja rùa", mỉa mai rằng "quân đội mạnh thứ hai thế giới" đang "cố gắng một cách tuyệt vọng" để tìm phương án đối phó drone tự sát của đối phương.
Ảnh do binh sĩ Ukraine công bố hôm 16/4 cho thấy lực lượng Nga đã nâng cấp lớp phòng vệ cho "xe tăng mai rùa", khi gắn thêm thiết bị tác chiến điện tử chuyên gây nhiễu drone lên nóc.
Phạm Giang (Theo Newsweek, TWZ, Reuters)