Lữ đoàn Cơ giới Độc lập số 47 Ukraine hôm 24/2 công bố video từ thiết bị bay không người lái (drone) đang theo dõi một xe tăng Nga lắp giáp phủ kín thân theo dạng mai rùa và đang chạy với tốc độ cao. Thời gian và địa điểm ghi hình không được công bố, nhưng một số đơn vị thuộc Lữ đoàn 47 Ukraine đang tham chiến tại tỉnh Kursk ở miền tây Nga.
Chiếc xe liên tiếp cán trúng 5 quả mìn gài dọc vệt xích trên tuyết, nhưng không giảm tốc mà vẫn tiếp tục cơ động. Trong cảnh tiếp theo, xe tăng Nga chuyển hướng và tránh tuyến đường có sẵn, dường như để tránh nguy cơ gặp mìn gài dọc đường.
Xe tăng mai rùa Nga liên tiếp trúng mìn rồi lọt hố, bị drone Ukraine tập kích trong video đăng ngày 24/2. Video: Lữ đoàn 47 Ukraine
Xe tăng sau đó cán qua thêm một quả mìn rồi giảm tốc. Lực lượng Ukraine triển khai drone góc nhìn thứ nhất tiếp cận đúng lúc chiếc xe lọt xuống hố đạn pháo, nhưng chưa rõ phi cơ có gây thiệt hại cho mục tiêu hay không.
"Lái xe nhiều khả năng bị khuất tầm nhìn nên không thấy hố sâu trên đường", cây viết David Axe của tạp chí Forbes nhận định.
Hình ảnh từ drone trinh sát cho thấy đám cháy nhỏ bên cạnh hố đạn, dường như bắt nguồn từ đầu đạn trên phi cơ Ukraine. Xe tăng Nga không có dấu hiệu cháy nổ nhưng nhiều khả năng đã bị mắc kẹt. Một quân nhân rời xe, di chuyển thêm một đoạn rồi ngã xuống đất, không rõ là vấp chân hay bị thương.
"Chuyến đi chết chóc với xe tăng của đối phương. Ngân sách của họ đã bị trừ đi hai triệu USD", bài viết trên tài khoản Telegram của Lữ đoàn 47 Ukraine có đoạn viết, ám chỉ xe tăng Nga đã bị phá hủy.
Bộ Quốc phòng Nga chưa bình luận về thông tin.
Lực lượng Nga bắt đầu triển khai xe tăng mai rùa trên tiền tuyến từ tháng 4/2024, nhằm đối phó với drone tự sát của đối phương. Do chỉ mang đầu nổ khoảng một kg, drone Ukraine sẽ không thể gây sát thương lớn cho xe tăng khi bị vướng giáp mai rùa. Một số xe tăng loại này còn được gắn thêm thiết bị gây nhiễu, giúp vô hiệu hóa drone hiệu quả hơn.
Đây được đánh giá là một trong những biện pháp thích ứng điều kiện chiến trường của lính Nga, khi tình trạng thiếu đạn pháo và tên lửa chống tăng buộc các đơn vị Ukraine phụ thuộc ngày càng nhiều vào drone mang thuốc nổ.

Lãnh thổ Ukraine kiểm soát ở tỉnh Kursk. Đồ họa: Al Jazeera
Dù vậy, giáp mai rùa cũng đi kèm nhiều nhược điểm, như hạn chế đáng kể khả năng xoay tháp pháo xe tăng và cản trở tầm nhìn của kíp lái. Loại giáp này cũng không thể chống lại các vũ khí có hỏa lực lớn hơn drone như tên lửa chống tăng dẫn đường hay đạn pháo.
Bất chấp những điểm yếu trên, xe tăng mai rùa vẫn được quân đội Nga sử dụng phổ biến trên chiến trường Ukraine, do đây là giải pháp hiệu quả nhất để đối phó drone, loại vũ khí xuất hiện dày đặc trên tiền tuyến. Một số chuyên gia phương Tây nhận định mỗi trung đội Nga trang bị một xe tăng mai rùa để mở đường cho các đơn vị bộ binh xung kích là phương án hợp lý.
Phạm Giang (Theo Forbes, AFP)