Video ghi lại cảnh một chiếc xe tải đặc biệt di chuyển trên cầu Auckland Harbour, như thể đang nuốt những khối bê tông trước khi đặt chúng xuống phía sau, cách vài mét về bên trái so với vị trí ban đầu. Hiệu quả là thu hẹp một làn xe vắng phương tiện hơn, và mở rộng không gian cho hướng giao thông ngược lại.
Xe có hai động cơ, di chuyển như một con cua và mỗi lần nhấc lên 16 khối bê tông, mỗi khối nặng 650 kg.
Thực tế, "máy chuyển rào chắn" hoặc "xe tải dây kéo" đã hoạt động trên cây cầu này từ năm 1990, và các thành phố khác trên thế giới như Sydney (Australia), hay San Francisco và San Diego (Mỹ), Sơn Đông (Trung Quốc) cũng áp dụng hệ thống tương tự.
Nhưng với những người chưa từng thấy hệ thống này, không phải ai cũng ấn tượng. Một số người đặt câu hỏi với Cơ quan Vận tải New Zealand, rằng tại sao không chỉ sử dụng đèn để thay đổi hướng làn đường - một hệ thống được áp dụng trên các cây cầu khác.
Trong nghiên cứu trường hợp về cầu Auckland, một công ty Mỹ, Lindsay, cũng là nhà cung cấp xe tải dây kéo, giải thích rằng đèn đã được sử dụng trong thập niên 1970 và 1980 để đảo chiều các làn đường trung tâm vào giờ cao điểm buổi sáng và buổi tối. Tuy nhiên, 10 vụ tai nạn dẫn đến thương vong do tai nạn đối đầu trong những năm 1984-1988 đã dẫn đến việc giới thiệu hệ thống barie dịch chuyển vào đầu thập kỷ tiếp theo.
Hệ thống ban đầu kéo dài 19 năm và được thay thế bằng thiết kế như hiện nay vào năm 2009, có thể di chuyển rào chắn với tốc độ lên đến 16 km/h và hoàn thành việc đặt lại toàn bộ đoạn đường dài 2,2 km trong khoảng 20 phút.
Mỹ Anh (theo Carscoops)