Tất cả những câu hỏi kiểu này khách hàng mua xe sang đều không cần phải bận tâm. Vì câu trả lời luôn là: có sẵn.
Nhưng những chủ nhân hầu bao rủng rỉnh vẫn chưa hẳn được nhẹ đầu. Vậy lấy vô-lăng bọc da hay gỗ? Hương nước hoa nội thất nào phù hợp với mình? Màu da nào nhìn trông tinh tế? Chọn treo khí nén hay không? Đèn thích ứng hay không thích ứng, LED hay Laser? Mở bản Canon in D thì loa Burmester hay Bowers & Wilkins hợp hơn? Và một loạt những tùy chọn đặc quyền xe sang họ phải ra quyết định.
Thế giới có đến cả trăm hãng xe lớn nhỏ, phần đông để giải quyết nhu cầu thiết yếu là đi lại hàng ngày của con người. Trong đó, những hãng được gọi là xe sang lại là số rất ít. Khi nhu cầu vượt quá việc di chuyển, những khách hàng giàu có cần thêm gia vị cho cảm xúc và tiện nghi, họ bước vào thế giới của xe sang.
Nhưng thế giới ấy cũng phức tạp không kém. Bạn có tiền, rất nhiều tiền. Bạn dùng số tiền ấy để tìm kiếm sự êm ái, mơn trớn khi ngồi ở ghế sau như nằm trên chiếc giường king-size ở nhà. Nhưng người khác cũng giàu có không kém, lại muốn được tự mình điều khiển khối cơ khí, thể hiện máu chinh phục như Thành Cát Tư Hãn trên lưng ngựa. Để đáp ứng tất cả, các hãng xe sang ra đời. Và phần lớn, xe của nước nào sẽ thể hiện tinh thần của dân tộc đó. Châu Âu là cái nôi của văn minh nhân loại, cũng là nơi ra đời, khai phá cho văn hóa xe sang toàn cầu.
Xe sang Đức: những lão làng tiên phong
Niềm tự hào nước Đức gói trọn trong 4 thương hiệu ưu tú Mercedes, BMW, Audi và Porsche suốt bao năm qua. Tất cả đều theo đuổi mục tiêu khai phá công nghệ.
Mercedes S-class là chiếc xe hơi đầu tiên áp dụng kiểu màn hình chia đổi khổng lồ thay cho công-tơ-mét truyền thống và module màn hình trung tâm rời rạc của các xe sang cùng thời. BMW 7-series cho phép người lái dùng cử chỉ bàn tay trong không khí để điểu khiển các chức năng trên xe. Audi A8 sẽ tự động nâng cao thân xe trong trường hợp sắp xảy ra va chạm bên hông trong vài phần trăm giây. Trên xe Porsche, tiện nghi sang trọng cho hành khách có thể giảm đi đôi chút, nhưng để cân bằng giữa cảm xúc sau vô-lăng và sự thư thái cho ông chủ thì khó có chiếc sedan nào làm tốt hơn Panamera hay bây giờ là Taycan chạy điện.
Xe sang Đức cũng duy trì triết lý đồng nhất nhận diện thương hiệu trên tất cả các dòng xe của mình, giúp hình thành nên khái niệm thế nào là ngôn ngữ thiết kế. Chọn xe sang Đức, bạn sẽ ít khi phải lo lắng xe mình không có thứ mà xe khác có.
Quý tộc Anh: Rolls-Royce, Bentley, Jaguar -Land Rover
Nếu Rolls-Royce là xe sang trọng số hai thế giới, chắc không ai dám nhận mình số một. Thực ra Rolls-Royce hay Bentley được xếp vào hàng ngũ siêu sang khi mà khách hàng có thể tùy chỉnh chiếc xe theo ý thích của mình, miễn là họ đừng bắt nó phải bay được. Hai hãng xe đều được chế tác thủ công, gần như chẳng có chiếc nào giống nhau trên toàn thế giới. Rolls-Royce từ khi ra đời hoạt động theo tôn chỉ "làm ra chiếc xe tốt nhất mà không cần quan tâm tới giá cả và bán chúng cho những khách hàng trả tiền vui vẻ".
Bentley cũng chẳng thua kém là bao khi cung cấp cho khách hàng những lựa chọn đắt tiền nhất mà họ có thể nghĩ ra, đồng thời chiều chuộng những fan tốc độ với vài phiên bản thể thao, chẳng hạn mẫu Continental GT Speed. Chọn Rolls-Royce hay Bentley nghĩa là khách hàng thiết kế xe cho riêng mình chứ không phải mua một sản phẩm có sẵn. Đó là khác biệt giữa siêu giàu và hạng sang.
Trước khi về dưới trướng Tata Motor, Jaguar và Land Rover là hai thực thể riêng biệt. Chung một mái nhà, Jaguar trước đây chỉ làm sedan còn Land Rover chuyên SUV. Mấy năm qua, Jaguar lấn sang một chút xe đa dụng với dòng Pace. Linh hồn của Báo gấm vẫn ăn sâu đậm nét trong chiếc sedan XJ đầu bảng, cạnh tranh với những S-class, series 7, A8 hay LS. Giống Porsche, Jaguar bước ra từ những cuộc đua tốc độ. Thiết kế bên trong Jaguar không quá công nghệ và phá cách, các nút bấm quen thuộc vẫn còn giữ lại nhưng chau chuốt, vương giả theo kiểu Anh. Nếu không muốn quá hiện đại và phải thao tác với màn hình cảm ứng quá nhiều, Jaguar là lựa chọn lý tưởng cho sự sang trọng truyền thống và phấn khích tuyệt vời lúc đạp ga.
Land Rover dành cho tập khách hàng đặc biệt hơn: vẫn thư thái tuyệt đối ở hàng ghế sau nhưng nếu ông chủ giàu có tự nhiên nổi hứng đổi gió, nó phải sẵn sàng chuyển sang off-road bất cứ lúc nào. Đó là lý do Land Rover chỉ làm SUV mà không màng sang các phân khúc khác. Đường nét ngoại thất đơn giản nhưng không lẫn đi đâu được của chiếc Range Rover lấy lòng khách hàng suốt bao năm qua. Range Rover không thể mềm mại uốn lượn bởi nó sẽ tự đánh mất đi chính mình. Nếu tổ chức một cuộc thi off-road đỉnh cao có Range Rover, thì danh sách khách mời cũng chẳng nên mở rộng nhiều quá ngoài G-class, LX570 và X7.
Lãng mạn Italy: Maserati
Levante là những cơn gió từ phương Đông thổi qua vùng Địa Trung Hải còn Ghibli là những cơn gió nóng của hoang mạc Sahara. Hãng xe Italy đặt tên chúng cho sản phẩm của mình ám chỉ tới tốc độ. Nhưng chỉ tốc độ thôi thì dễ mờ nhạt. Đọc tên xe của Maserati làm khách hàng liên tưởng, những thanh âm tiếng Italy ngọt ngào cũng khác lạ so với từ tiếng Anh phổ thông hay vài chữ cái đơn điệu.
Lưới tản nhiệt đặt thấp với các thanh chống dọc, đèn pha mắt xếch và logo cây đinh ba là đặc điểm để khách hàng nhận ra Maserati trên phố. Bên trong Maserati, mọi thứ tập trung cho người lái. Không có những màn hình khổng lồ hay cửa gió điều hòa cách điệu theo xu hướng xe sang gần đây. Cũng phải thôi, nội thất điệu đà quá thì sẽ lạc lõng với vẻ thể thao bên ngoài. Không có chiếc Maserati nào dưới 275 mã lực. Phiên bản cao nhất của Levante, Ghibli hay Quattroporte đều chạm mốc 580. Chiếc MC200 mới nhất tăng tốc 0-100 km/h dưới 2,9 giây, chẳng thua kém Ferrari hay Lamborghini. Maserati sang trọng kiểu lãng mạn của người Italy.
Cũng quần là áo lượt, khoác lên bộ tuxedo với sơ mi khuy măng séc lịch lãm, chủ nhân Maserati rời bữa tiệc và sẵn sàng ngồi vào ghế lái phóng đi, điều không thường thấy ở những đối thủ có tập khách hàng đứng tuổi hơn. Đâu phải người giàu có nào cũng thích siêu xe, khoang lái chật hẹp của chúng đôi khi chẳng mấy dễ chịu cho cuộc dạo chơi trên phố. Vẫn cabin bốn ghế rộng rãi, âm thanh hi-end, không quá đại trà như xe sang khác, khi cao hứng vẫn có thể dính lưng thì còn lựa chọn nào thú vị hơn Maserati? Nếu câu trả lời là có, chắc bạn chưa yêu Italy đủ nhiều mà thôi.
Từ an toàn tới sự tinh tế Scandinavia của Thụy Điển: Volvo
Tròn 10 năm Volvo về tay các ông chủ Trung Quốc, hãng xe được mệnh danh an toàn nhất thế giới không hề mất đi gốc gác Thụy Điển. Người ta càng lo lắng, xe Volvo càng an toàn và tinh tế. Volvo không sang trọng kiểu bóng bẩy, hào nhoáng mà là ở sự lôi cuốn tối giản. Từ màn hình cảm ứng cỡ lớn đặt đọc, đường chạm khắc trên các núm xoay tới những mảng ốp gỗ không sơn bóng hay tùy chọn màu da kem trắng ngà, tất cả toát lên vẻ đẹp thuần khiết không phô trương như chính vùng đất Scandinavia.
Chiếc XC90 không dễ để nổi loạn như một chiếc X5 hay Cayenne. Hãng xe sang hướng sản phẩm luôn theo cách nhẹ nhàng, lịch thiệp. Bên hông hàng ghế trước xuất hiện những lá cờ Thụy Điển nhỏ. Chốt dây an toàn khắc dòng chữ "Since 1959" nhắc về niềm tự hào Volvo là hãng phát minh ra thiết bị quan trọng bậc nhất này. Phía bên ngoài, đèn định vị LED hình búa Thor - vị thần sấm sét trong thần thoại Bắc Âu giúp chiếc xe sẽ chẳng bao giờ bị lạc trong đám đông, đồng thời cũng là cách để người ta nhớ về nơi nó được sinh ra.
Sau bao thăng trầm qua tay chủ này, chủ kia, cuối cùng Volvo cũng tìm thấy ánh sáng phía cuối con đường. Nằm dưới quyền kiểm soát của người Trung Quốc thì đã sao, khi bản ngã bên trong còn nguyên vẹn. Chất Thụy Điển ấy chẳng hề nhạt phai.
Hy vọng của người Pháp: DS
Tách ra từ Citroen, DS mới hoạt động độc lập chính thức từ 2015, trẻ nhất làng. Thương hiệu con của PSA là hy vọng duy nhất của nước Pháp để bớt lép vế so với những người hàng xóm Anh, Đức. Nhưng xe Pháp, kể cả bình dân cứ ra khỏi Châu Âu là gặp khó chứ chưa nói tới xe sang. Chiếc DS 9 định vị cạnh tranh với những BMW series 5, Mercedes E-Class hay Audi A6 ra mắt hồi tháng 2 nhưng tới nay vẫn chưa bán thương mại.
PSA nói riêng và xe Pháp gần đây thiết kế lột xác so với quá khứ không mấy nổi bật của họ. Bên trong xe DS, khoang lái đầy chất công nghệ. Từ các màn hình cảm ứng kỹ thuật số đến cần số điện tử nhưng chúng lại phảng phất đường nét Peugeot trong đó. Ngay phía bên ngoài, không khó để nhận ra đèn định vị xẻ dọc của DS 9 cũng hao hao đường vuốt LED trên Peugeot 508. Rất có thể, về lâu dài PSA cần mạnh tay như Toyota từng làm với Lexus: tách biệt phong cách rành mạch giữa sang và bình dân, không nên có sự thỏa hiệp nào cả để tránh bản sắc thương hiệu giẫm đạp lên nhau.
Tá điền xứ cờ hoa: Cadillac & Lincoln
Cũng là phương Tây, nhưng vượt qua Đại Tây Dương, người ta tìm đến Mỹ, nơi là mái nhà chung của nhiều dân tộc. Sự thống nhất trong văn hóa sử dụng xe hơi nằm ở kích thước: mọi thứ phải to lớn.
Mọi chiếc Cadillac hay Lincoln trông đều to lớn bệ vệ. Hiếm khi xe sang Mỹ lắp động cơ nhỏ, phổ biến nhất là loại V6, V8. Người Mỹ thích không gian nên hai thương hiệu sang trọng luôn cố gắng chiều lòng khách hàng bản xứ. Nhưng ra khỏi nước Mỹ, cả Cadillac và Lincoln đều chật vật vì thiết kế không hợp nhãn đối với phần đông khách hàng giàu có. Xe sang Mỹ cơ bản là thực dụng: chỉ có sedan hoặc SUV. Coupe, Wagon, MPV hay Cabriolet thuộc về những cá tính bay bổng không được chào đón. Nếu Cadillac tự hào là xe dành cho tổng thống suốt hàng thập kỷ qua thì Lincoln cũng vinh hạnh mang trên mình tên của một trong những vị tổng thống được yêu thích nhất trong lịch sử Mỹ. Ở thị trường ô tô lớn nhất thế giới, Trung Quốc, doanh số 2019 của Cadillac khoảng 200.000 xe (theo Carsalesbase), bằng 30% Audi, còn Lincoln chỉ bằng 25% người đồng hương của mình. Cả hai thương hiệu đều có nhiều việc phải làm, nếu muốn chất sang trọng kiểu Mỹ phổ biến hơn.
Thái Hoàng