Chiếc xe bắt đầu phun thuốc từ khoảng 6h30 trên địa bàn khu Hoàng Diệu, phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang, Khánh Hòa. Người dân khu vực này tỏ ra khá bất ngờ khi bị phun xịt vào người, kể cả thức ăn ở hàng quán... Chiếc xe được xác định là của một cơ sở y tế dự phòng đang đi phun xịt thuốc diệt muỗi.
Một chủ quán bún trên đường Hoàng Diệu cho biết một tuần trước xe cũng đã đi phun thuốc mà không có thông báo trước. Người chủ quán này phàn nàn là đã không kịp che đậy thức ăn khi xe ngang qua nên thuốc phun xịt vào thẳng đồ ăn của khách.
Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Khánh Hòa cho biết, xe phun thuốc diệt muỗi ở các nơi công cộng là để phòng ngừa muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Giờ xe phun thuốc hoạt động tùy thuộc vào yếu tố vi khí hậu, thường thì khoảng 6-7h sáng và 6-7h chiều và phải phun ở nơi có mật độ dân đông.
Theo ông Hải, biện pháp dùng xe phun thuốc diệt muỗi trong vùng dịch là cần thiết vì phun được cả bên ngoài nhà, nơi có loại muỗi sống ngoài trời và có thể truyền bệnh sốt xuất huyết. Hiện do muỗi đã kháng thuốc nên tỷ lệ pha thuốc tăng theo quy chuẩn từ 1:10 (một lít thuốc 10 lít nước) lên 1:6 vì đậm đặc hơn muỗi mới chết.
“Loại thuốc diệt muỗi đang sử dụng là nhóm thuốc thuộc họ hoa cúc, ít độc cho người”, ông Hải nói.
Theo quy định của Bộ Y tế, một ngày trước khi phun thuốc diệt muỗi phải thông báo cho người dân trong vùng biết, không phơi thức ăn ngoài trời trong thời gian phun thuốc, ngừng buôn bán đồ ăn, đồ uống trong vùng phun. Đặc biệt là phải tránh cho người già yếu, người bệnh hen, bệnh tim vương phải thuốc.
“Người bị bệnh hen, thể trạng dị ứng hít phải thuốc này có thể sẽ lên cơn hen. Tuy nhiên thông báo lịch phun thuốc là trách nhiệm của chính quyền địa phương, ngành y tế không thể làm được việc này”, ông Hải cho biết.
Khánh Hòa đang dẫn đầu khu vực miền Trung về số ca bệnh sốt xuất huyết. Tính đến ngày 11/10, toàn tỉnh có 3.245 ca sốt xuất huyết, một người chết, trong đó Nha Trang có đến 935 người mắc bệnh và 6 xã phường có dịch.
Việt Nữ