Tôi đã đọc nhiều bài tranh luận về xe Nhật - Hàn thời gian gần đây với nhiều ý kiến phản biện đa chiều. Vừa rồi, có cơ hội trải nghiệm chiếc Toyota Camry 2.5Q 2019 của một người bạn trong thời gian gần một tháng chờ đổi xe, tôi muốn góp thêm ý kiến về mẫu xe từng được xem là biểu tượng xe Nhật này.
Có thể, mỗi người có một cảm nhận khác nhau, tôi cũng không đứng hẳn về bên nào. Nhưng sau một tháng sử dụng Camry hàng ngày, tôi có hai ý muốn trao đổi.
Thứ nhất, Camry 2019 ở nước ngoài đã được trang bị động cơ 2.5 thế hệ mới đi kèm hộp số tự động 8 cấp. Tuy nhiên, dù cũng được nhập Thái nhưng các phiên bản Camry bán tại Việt Nam hiện vẫn chỉ sử dụng bộ máy 2.5 thế hệ cũ, công suất tăng từ 178 lên 181 mã lực, mô-men xoắn cực đại vẫn là 235 Nm, hộp số 6 cấp giữ nguyên.
Vì thế, dù ngoại hình đã thay đổi từ năm 2019, mang hơi hướng thể thao hơn để phù hợp với người dùng trẻ, nhưng bên trong Camry vẫn là cỗ máy cũ. Xe vận hành "lầm lỳ", không thể hiện được tính thể thao. Khi nhấn mạnh chân ga, đồng hồ tốc độ có độ trễ lớn.
Nhưng vì sao người Việt vẫn chọn Camry?
Toyota là một trong những hãng vào Việt Nam từ rất sớm - nếu tôi không nhầm thì vào khoảng năm 1995, khi thị trường ôtô trong nước còn sơ khởi. Người tiêu dùng khi đó vốn không có nhiều sự lựa chọn, dễ dàng để Toyota chinh phục với định danh xe Nhật chất lượng. Tâm lý "thần thánh" xe Nhật xuất phát từ đó, đã ăn vào tiềm thức của nhiều người Việt và không dễ gì thay đổi.
Nhưng hiện, Việt Nam là điểm đến yêu thích của nhiều hãng xe. Cộng thêm thương hiệu ôtô nội địa, các hãng cung cấp ra thị trường hàng trăm mẫu xe trải dài các phân khúc - lấp đầy "menu lựa chọn" cho người tiêu dùng Việt. Thế nên tôi thấy thật khó hiểu khi tư duy "ăn chắc mặc bền" vẫn còn được một số người tôn thờ, và cứ xe Nhật là tốt.
Thứ hai, tôi cho rằng mua xe về là để xe phục vụ và bảo vệ mình, chứ không phải để chăm bẵm, giữ gìn hòng bán lại cho được giá.
Ở Việt Nam, sự đa dạng của các hãng xe khiến thị trường đang chia làm hai xu hướng tiêu dùng. Bên cạnh những người vẫn luôn bất chấp tất cả để "thần thánh hóa" xe Nhật, với xu hướng tiêu dùng đặc trưng là ăn chắc mặc bền, bán giữ giá, thì cũng đã xuất hiện những lớp khách hàng mới, ưu tiên sự an toàn, trải nghiệm của bản thân trước tiên.
Doanh số thị trường cũng phản ảnh phần nào sự dịch chuyển. Camry đã không còn độc tôn ở phân khúc sedan hạng D. Những người thành đạt trẻ tuổi họ coi xe là một phương tiện cá nhân chứ không phải tài sản để giữ tiền. Vì thế, xe phải phục vụ chủ chứ không phải ngược lại. Ở đó, họ cần một chiếc xe xứng đáng với giá tiền bỏ ra, về cả trải nghiệm lái, mức an toàn và khẳng định cá tính.
Ở tầm giá trên 1,2 tỷ đồng, chúng ta có rất nhiều lựa chọn. Nhưng dù bạn có chọn gì, tôi cũng tin rằng, khi người tiêu dùng được cầm trên tay một "menu" đầy đủ hơn để lựa chọn, thì thị trường cũng bớt méo mó hơn.
Độc giả Bình Sơn