Tôi đã từng đi nhiều nơi trên thế giới, kể cả những nước phát triển và đang phát triển... nhưng tôi chưa thấy nước nào giao thông lộn xộn như ở ta. Xe máy, xe hơi… chạy hỗn độn, vỉa hè buôn bán nhếch nhác. Vạch kẻ làn đường dường như vô tác dụng, tất cả các loại xe dẫm đạp lên làn đường của nhau mà chen lấn. Tôi đã từng tưởng rằng đó là tình trạng chung của các nước có nền kinh tế đang phát triển, chưa đủ nguồn tài chính để xây những đại lộ to, đẹp. Nhưng khi qua thành phố Yangon (Myanmar), tôi vô cùng kinh ngạc khi thấy giao thông của họ rất nề nếp trong khi thu nhập bình quân đầu người của họ thấp hơn nước ta nhiều. Giá xe hơi, giá xăng dầu của Myanmar lại đắt gấp đôi so với Việt Nam, quỹ mặt đường của họ cũng không hơn nước ta gì cả…
Dân ta vẫn thường kêu ca cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng người dân Myanmar còn khó khăn hơn. Toàn bộ Yangon cấm tiệt xe máy, những người ở trong hẻm đều phải đi bộ ra đầu hẻm để bắt xe buýt hoặc taxi. Tất cả lưu thông trên đường đều là xe bốn bánh nên chạy tử tế hơn xe hai bánh, xe nào tự chạy làn đường xe đó.
Việc mua sắm cũng phải theo những quy tắc nhất định, ai muốn mua gì phải đến chợ và siêu thị chứ không có chuyện nhà mặt tiền đều bán tạp hóa như ở nước ta. Chính vì không có xe máy nên không có cảnh dừng xe mua bán nhếch nhác ở vỉa hè, lòng lề đường, bạ đâu dừng đó hay chạy lạng qua, lạng lại…
Ở Việt Nam, tình trạng nhiều tiệm bán tạp hóa, sửa xe, cafe, quán nhậu, cắt tóc, gội đầu… tất cả đều “bưng” ra mặt tiền khiến cho bộ mặt đô thị của Việt Nam nhếch nhác hàng đầu thế giới. Việc phân tích để tìm ra nguyên nhân đã khó, chuyện tìm ra giải pháp còn khó hơn.
Tôi nghĩ quỹ mặt đường của ta quá ít và hẹp, đây là nguyên nhân cốt lõi. Tôi đã từng đọc thông tin nói rằng quỹ đường của đô thị Việt Nam chỉ đạt 5%, trong khi các nước khác là 20%. Diện tích mặt đường quá ít trong khi mật độ dân số lại cao thì bất kể xe hơi, xe máy hay xe đạp đều phải chen chúc, giẫm đạp nhau mà đi. Để giải quyết triệt để tình trạng này, tôi xin mạn phép đề ra một số giải pháp.
Trước tiên phải cải thiện tầm nhìn quy hoạch đô thị, cải thiện cái tâm, đừng để những lợi ích riêng tư can thiệp vào quá trình quy hoạch. Trong quá trình thi công, xây dựng đô thị, đường sá… phải triệt tiêu tham nhũng, lãng phí để dư ra tiền làm tiếp những con đường khác. Việc này nói dễ nhưng làm không dễ chút nào.
Việc cải thiện tầm nhìn, quy hoạch đô thị là bước căn bản và cần thiết nhất, giải quyết xong vấn đề này mới tiến tới cấm dần xe máy. Không sớm thì muộn chúng ta cũng sẽ phải bớt dần xe máy để theo xu thế chung của thế giới. Xe máy là phương tiện của thế kỷ trước, nhếch nhác và nguy hiểm.
Song song với cấm dần xe máy sẽ là tăng dần các phương tiện công cộng, từ xe buýt, taxi, tàu điện ngầm... Những ai có tiền cứ đi xe hơi. Rồi những người ở trong hẻm sẽ phải quen với việc đi bộ ra đầu hẻm để bắt taxi, xe buýt... Mọi người sẽ có thói quen cầm dù che mưa, việc đi bộ thường xuyên hơn có lợi cho sức khỏe.
Cũng vì đã giải quyết được bước quy hoạch đô thị, quỹ đường nay đã rộng hơn, do đó có thể giảm thuế xe hơi để những người trung lưu nay đều có thể mua xe hơi. Ngoài đường sẽ ngày càng nhiều xe hơi, bớt xe máy, bộ mặt đô thị càng ngày càng cải thiện. Ngành công nghiệp xe hơi cũng được phát triển theo.
Sau khi các bước trên được giải quyết, tự khắc thái độ của mọi người khi lưu thông sẽ trở nên hòa nhã với nhau hơn. Không còn cảnh va quẹt xe máy, không đội nắng đội mưa, không còn lạng lách, đánh võng... Đường sá nay đã rộng hơn, kẹt xe giảm hẳn, sẽ không còn cảnh chửi nhau, nện nhau khi va chạm.
Hoàn cảnh thay đổi dẫn đến hành vi thay đổi, tuy nhiên để dẫn đến bước này thì phải làm tốt những bước trên, mà ngay cả làm tốt thì cũng mất ít nhất 20 năm.
Tôi cho rằng cách làm trên cũng chính là cách làm của Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia đã làm.
Các nước bạn đã thực hiện tốt việc quy hoạch đô thị, đến khi có đường sá rộng rãi, phát triển giao thông công cộng... tự nhiên người dân sẽ không muốn đi xe máy nữa. Khi đường rộng thì mạng lưới xe buýt có thể len lỏi đến hầu hết các khu vực với thời gian tương đối nhanh. Những ai có tiền thì vẫn cứ thoải mái lái xe riêng với chi phí cao hơn.
Quay lại tình trạng Myanmar, hiện tại giao thông Yangon nề nếp một phần vì cấm xe máy, một phần vì mật độ dân cư tương đối thấp so với ta. Nhưng nếu họ không xây thêm đường sá thì khi dân số tăng, các vấn đề sẽ phát sinh giống như ở Việt Nam vậy.
Rốt cục, để thực hiện tốt việc quy hoạch và xây dựng đô thị vẫn tùy thuộc vấn đề con người. Hy vọng những nhà thiết kế, những nhà thầu, chủ đầu tư... hiểu được rằng vai trò của mình quan trọng như thế nào cho bộ mặt đô thị 20 năm sau, vì vậy rất cần những cái tâm trong sáng.