Trên VnExpress từ lâu nay vẫn có rất nhiều bài viết nói lên sự băn khoăn hoặc quyết tâm của các bạn đọc về việc mua xe ôtô hoặc ủng hộ tiếp tục dùng xe máy.
Nhìn về khía cạnh cá nhân, chắc chắn là rất nhiều góc nhìn nhưng nhìn về khía cạnh xã hội, tôi xin đưa ra một số phân tích như sau về thực trạng của “nền văn minh xe hai bánh” của chúng ta - một khung cảnh hỗn độn mà du khách nước ngoài thường chụp ảnh lại rồi chia sẻ với nhau như một thứ kỳ quặc họ gặp trong đời.
Bên cạnh việc nhận diện vấn đề, tôi xin được đề nghị vài giải pháp đơn giản để chúng ta dễ làm, làm ngay, nhưng giải quyết được những nguyên nhân gốc rễ.
Nguy hiểm
Xe hai bánh là phương tiện vốn không thể giữ thăng bằng nếu bánh xe không quay để tạo ra hiệu ứng con quay hồi chuyển. Và mức độ giữ thăng bằng này không cao bởi một lực tác động làm lệch trục hồi chuyển là đủ để làm xe đổ, người ngã.
Hãy nhìn xem ngoài đường kia, xe con, xe lớn đi sát cạnh nhau, chỉ một va chạm nhỏ là người đi xe hai bánh ngã dúi dụi. Lúc đó, nếu xe khác, nguy hiểm nhất là các xe ô tô, xe tải … chèn lên thì tính mạng sẽ thế nào ? Vì thế, không có gì quá nếu nói rằng, xe hai bánh là một phương tiện giao thông kém an toàn, và vô cùng nguy hiểm trong cái “nền văn minh xe hai bánh” này.
Chưa hết, chúng ta phải nhìn nhận rằng đường sá Việt Nam ở các đô thị lớn rất xuống cấp. Mặt đường nham nhở, lại chi chít các nắp cống hình vuông. Nếu bánh xe máy, xe đạp lọt vào cái cạnh của nắp cống thì khả năng ngã cũng rất cao (các quốc gia khác dùng nắp cống hình tròn để giảm vấn đề này).
Chắc chắn không ít bạn đọc đã từng trải qua cảm giác hót tim khi bỗng nhiện trước mặt mình xuất hiện cái mặt nắp cống lồi lõm đó và vội tránh. Lỡ xui xẻo, phía sau hoặc bên cạnh có xe khác đi vọt lên thì tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa rồi.
Hỗn loạn
Ở phương diện khác, xe hai bánh rất cơ động và cũng rất khó để giữ nguyên sự di chuyển trên một đường thẳng. Bởi vậy, dù cộng đồng người tham gia giao thông có ý thức giữ gìn mấy đi nữa, thì đám đông xe hai bánh cũng ít nhiều hỗn loạn.
Và đến khi có tắc nghẽn, mâu thuẫn va chạm, bất kỳ trật tự mong manh nào cũng bị phá vỡ ngay. Người ta tràn lên vỉa hè, người ta bấm còi inh ỏi, người ta chèn xe, lấn xe, tranh nhau đường đi … và nó tựa như một bầy kiến cuộn vào nhau thành một cục bùng nhùng.
Kẹt xe trong “nền văn minh hai bánh” thì hỗn loạn, ồn ào, ô nhiễm khói bụi, mức độ căng thẳng, bực bội rất cao. Nhìn điều này trên quy mô hàng triệu người thì hệ quả tâm lý là vô cùng. Để điều tiết và gỡ rối cho cái mớ bùng nhùng này quả là không dễ dàng, vì nó không đơn thuần là “kẹt xe” mà còn là “kẹt người”.
Ở các ngã tư, do không dễ phân luồng giao thông, khi đèn xanh bật lên, một tốp xe quẹo trái sẽ cắt mặt làn xe chạy thẳng chiều ngược lại. Kẹt xe hay dồn xe bắt đầu từ đây.
Bất công và tụt hậu
Nền giao thông xe hai bánh nhỏ gọn, cơ động còn chính là hơi thở của buôn bán vỉa hè. Tất cả đều bày ra mặt đường. Vỉa hè không còn dành cho người đi bộ nữa vì lấn chiếm vỉa hè cũng chính là mưu sinh, kiếm tiền, làm giàu. Vì thế mà nhà mặt tiền có giá cao gấp vài lần nhà cửa để ở.
Người ta chỉ cần có nhà mặt tiền là cho thuê và có tiền sinh sống. Nó tạo ra một bộ phận lớn dân chúng không làm việc vẫn có tiền để sống khỏe, thậm chí sung túc và giàu có. Từ đó mà cũng góp phần phát sinh ra tư tưởng lười biếng, làm ít mà tham nhiều.
Sinh hoạt ở các khu mặt tiền đường cũng góp phần làm cho “nền văn minh xe hai bánh” thêm lem nhem, nhếch nhác. Người ta thậm chí bày bàn ghế quán nhậu ra vỉa hè.
Bảng quảng cáo, bãi giữ xe, tất cả đều trên vỉa hè một cách nghiễm nhiên. Đến mức có khi người đi đường dừng xe lại ngay trước vỉa hè làm ăn của họ là bị nghe chửi tựa như đang làm một điều ngu xuẩn hoặc xấu xa.
Bà bầu, con nít, người già, người tàn tật… phải đi xuống lòng đường và phó mặc mạng sống của mình cho những người chạy xe giao thông không phải là chuyện lạ lùng. Vì nó quá thường gặp nên từ chuyện kỳ quặc mà nó thành chuyện bình thường. Rõ ràng, mạng sống và sức khỏe của chúng ta trở nên rẻ mạt hơn bao giờ hết.
Đường phố không của riêng ai, chúng ta đều phải đóng thuế và lao động để có tiền xây dựng đất nước. Nhưng đường phố trong nền văn minh xe hai bánh lại không hoàn toàn thuộc về nhân dân mà thuộc về những người kinh doanh mặt tiền.
Thành thị càng đông thì càng nhếch nhác như thế đấy. Và việc quy hoạch trở nên vô cùng khó khăn bởi những nhà mặt tiền chẳng dễ dàng chịu đền bù giải tỏa. Đền bù bao nhiêu mới đủ? Cưỡng chế thì xã hội lại phát sinh mâu thuẫn và bất mãn. Không quy hoạch thì lại cứ kéo dài và phát sinh ngày một trầm trọng hơn theo chiều gia tăng dân số và di dân về thành thị.
Nếu nói về những tiêu cực của giao thông hai bánh thì nói cả ngày không hết. Ở trên tôi chỉ xin phác họa chấm phá một vài nét dễ thấy nhất. Đây là một tình trạng rối rắm có xu hướng càng lúc càng rối thêm và cần có sự can thiệp ở mức độ vĩ mô của nhà nước. Vì thế, tôi chỉ xin đưa ra vài giải pháp nho nhỏ có tính đối phó, ngắn hạn, nhưng có thể làm được và làm ngay.
Gia tăng sự an toàn và trật tự cho người tham gia giao thông.
Thứ nhất, các bảng tên đường làm to hơn để người ta có thể đọc rõ tên đường từ xa. Còn các bảng tên đường hiện nay nhỏ xíu, chỉ phù hợp với cái thời dân số còn rất thưa.
Thứ hai, các nắp cống trong tương lai phải chuyển sang dạng nắp tròn. Cho dù có không bằng phẳng thì bánh xe hai bánh lăn vào cũng không bị hiệu ứng “đường ray” làm lạc tay lái người điều khiển.
Thứ ba, các tuyến đường một chiều có xe buýt lưu thông thì thiết kế lại cho xe buýt ghé đón khách ở phía tay phải đường tại những trạm thụt vào trong. Như vậy, xe buýt sẽ không còn chạy ra chạy vào cắt mặt cả một đoàn xe máy rất nguy hiểm. Đồng thời, xe buýt khi ghé trạm sẽ buộc phải dừng lại cẩn thận cho hành khách lên xuống.
Thứ tư, giảm thiếu các tuyến đường hai chiều bằng cách chuyển những đường song song thành đường một chiều phục vụ hướng lưu thông ngược nhau. Ở những tuyến lớn buộc phải lưu thông hai chiều thì phân luồng và vẽ vạch dành phần dừng đèn đỏ cho các xe sẽ rẽ trái. Điều này sẽ giảm khả năng tắc nghẽn do cùng một lúc nhóm xe rẽ trái cắt mặt dòng xe chiều ngược lại khi đèn xanh.
Gia tăng tính công bằng và tiến dần đến quy hoạch văn minh:
Thứ nhất, xiết chặt quản lý việc kinh doanh mặt tiền trước mắt để tiến đến quy hoạch tương lai.
Thứ hai, nếu không cấm được việc lấn chiếm vỉa hè thì đánh thuế sử dụng mặt tiền đường, tuy không nhiều, nhưng có thể tăng thêm phần thu ngân sách để bảo trì đường xá. Cũng nói thêm, cá nhân tôi chưa thấy sự vô lý nào hơn như thế khi tất cả chúng tôi đều phải đóng thuế cho nhà nước để duy tu bảo trì đường sá, nhưng chỉ có một số người là hưởng được lợi ích từ việc đó.
Thứ ba, quy trách nhiệm giữ gìn vệ sinh mặt tiền vỉa hè cho hộ mặt tiền. Thực tế cho thấy, xả rác ra vỉa hè chính là những hộ kinh doanh mặt tiền hoặc những người kinh doanh ở mặt tiền đường.
Thứ tư, giảm các chi phí duy trì cây kiểng, thảm cỏ … làm đẹp vỉa hè để sử dụng số tiền đó cho việc làm vệ sinh, lát bằng phẳng mặt đường.
Thứ năm, làm đường mới thì dứt khoát phải có kế hoạch đồng bộ cáp điện – ống nước để tránh chuyện cứ đào lên đào xuống. Thà trễ còn hơn lãng phí.
>> Xem thêm: Giao thông - có nơi đâu như Việt Nam?
Hàng nghìn xe máy đi ngược chiều gây kẹt xe gần 2 giờ ở Hà Nội |
Chia sẻ bài viết của bạn về đời sống, xã hội tại đây.