Nước ngập sâu khiến xe khách ngoại tỉnh không thể vào đón khách, xe trong bến cũng “bất động”. Đây là bến xe lớn nhất thành phố với khoảng 800 lượt xe mỗi ngày, song mấy ngày nay phải “nằm im” chờ nước rút.
Hành khách phải lội nước hơn 2 cây số từ bến xe Giáp Bát để bắt xe vào nội thành. Ảnh: Tiến Dũng. |
Xe không thể vào bến nên đành trả khách tại Pháp Vân, hành khách lội nước hàng km vào nội thành. Trưa nay, trên đường Giải Phóng, nước ngập sâu và kéo dài hàng km khiến cả nghìn người và xe ùn ứ. Hoạt động vận chuyển lưu động được dịp ăn khách.
Không chỉ phao, bè, xe cải tiến, xe ngựa, thậm chí xe cẩu cũng được huy động. Mặc dù phải trả 30.000 đồng một lượt nhưng nhiều khách vẫn nhao nhao nhảy lên chiếc xe cẩu. Cabin xe cũng ken cứng người.
Bến xe Gia Lâm - đi các tỉnh phía Bắc của Hà Nội cũng trong tình trạng đình trệ, tất cả xe buýt cũng như xe khách đều không thể vào bến đón khách mà lòng vòng đón trên quốc lộ 5. Xe khách Hải Phòng, Quảng Ninh về thủ đô chỉ vào đến cầu Chui trả khách là quay đầu xe.
Bến xe Mỹ Đình hoạt động khá cầm chừng, công suất hoạt động chỉ bằng 10% so với ngày thường. Sáng nay, khách đến bến xe đã lác đác, song vẫn có nhiều người đi đến cầu vượt Mai Dịch là quay về khi thấy nước ngập trắng đường Phạm Hùng.
Ông Nguyễn Mạnh Tiến, Giám đốc Bến xe cho biết, nước trong bến xe đã rút song toàn bộ đường Phạm Hùng (trước cửa bến xe) vẫn ngập nặng. Xe đến và đi khá thưa thớt, sáng nay chỉ có khoảng 30 xe xuất bến trong khi mỗi ngày ở đây có khoảng 700 xe khởi hành.
Giá của mỗi lần đi xe cẩu này là 30.000 đồng. Ảnh: Tiến Dũng. |
Hôm nay, mưa vẫn ngập trên một số tuyến phố nên nhiều người lựa chọn phương tiện công cộng thay vì xe máy. Tuy nhiên, nhiều xe buýt bỏ bến hoặc thay đổi lộ trình khiến nhiều người lâm cảnh dở khóc dở cười.
Chị Thu Hà, Thị trấn Đông Anh, cho biết, thường ngày chị đi 2 tuyến xe từ Đông Anh tới đường Giải Phóng, song hôm nay đã phải đón 3 tuyến xe mới đến nơi. Ngoài ra, chị không thể đi tuyến xe 22 như hàng ngày vì xe này không chạy. “Tôi mất 4 giờ kiên nhẫn trên xe buýt và ở điểm dừng mới đến được nơi cần, nhưng còn may mắn hơn khi nhìn thấy nhiều người phải đẩy xe máy qua dòng nước xiết”, chị Hà nói.
Theo lãnh đạo Xí nghiệp xe điện Hà Nội, tuyến 22 (Gia Lâm - Viện quân y 103) chỉ có 20 xe buýt hoạt động trong tổng số 25 xe bởi lộ trình phải qua nhiều cung đường ngập nặng. Thay vì đón khách tại bến xe Gia Lâm, các xe buýt tuyến này chỉ đón khách từ gần cầu Chương Dương và trả khách ngay đầu thành phố Hà Đông, không thể đi sâu vào thành phố như bình thường.
Cũng theo Xí nghiệp xe điện, đơn vị này đã có 15 xe buýt loại lớn bị hư hỏng nặng vì nước tràn vào thùng dầu, các xe này đều đi qua những đoạn đường ngập nặng, có lúc nước lên tới sàn xe. Một số xe vẫn “bất động” trong rốn nước tại Bến xe Gia Lâm, sẽ phải sửa chửa toàn bộ.
Hầu hết các tuyến xe buýt khách phải thay đổi lộ trình vì không thể đi qua các điểm ngập nặng hoặc không khởi hành ngay tại đầu bến như tại Bến xe Gia Lâm, Bến xe Phía Nam, Viện quân y 103.
Theo ông Nguyễn Văn Thông, Giám đốc Xi nghiệp xe buýt Thăng Long, xe buýt có lộ trình đi qua Nguyễn Lương Bằng, Thái Hà, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Đông đều không thể qua khu vực này, mà phải chạy vòng qua các đường khác để đến bến. Xe buýt từ Kim Mã đi Phùng sẽ chỉ đi đến Minh Khai (Từ Liêm) là phải quay đầu lại.
Những tuyến đường không bị ngập nước song thường lâm cảnh ùn tắc nghiêm trọng như Đê La Thành, Hoàng Hoa Thám cũng khiến xe buýt phải thay đổi lộ trình, không thể đón khách tại điểm dừng hàng ngày. “Hành khách nên thông cảm cho nhà xe vào những ngày này. Nếu cần đi, mọi người nên tìm đến những điểm dừng tại các khu vực cao ráo mới dễ bắt xe buýt”, ông Thông nói.
Đoàn Loan
* Chia sẻ hình ảnh và câu chuyện về trận mưa lịch sử tại đây