Chiều 21/1, phòng chờ các bến xe ở Hà Nội đều đông chật người dân đến mua vé về quê. Anh Hà Văn Phương (35 tuổi, công nhân xây dựng) đưa vợ cùng hai con ra bến Giáp Bát đón xe về quê Cẩm Thủy (Thanh Hóa).
Anh được nhà xe thông báo giá vé tăng từ 110.000 đồng lên 160.000 đồng mỗi người. Mất thêm 200.000 đồng so với ngày thường để mua 4 vé, song anh Phương đành chấp nhận vì "không có lựa chọn khác".
"Nhà xe nào cũng tăng giá, nếu không niêm yết thì lên xe họ cũng đòi thêm mấy chục nghìn một vé", anh Phương nói.
Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc bến xe Giáp Bát cho biết, tại bến có 14 tuyến tăng giá vé từ 30 đến 50%, chủ yếu là tuyến đi các tỉnh miền Trung như Thanh Hóa, Đà Nẵng; thời gian tăng giá vé từ 14 đến 24/1.
"Doanh nghiệp vận tải giải thích chiều từ tỉnh ra Hà Nội vắng khách, phải tăng giá vé để bù chi phí xăng dầu, lương lái xe. Có doanh nghiệp tăng giá vé đến 60% nhưng chúng tôi không chấp nhận. Nhà xe nào tăng giá quá cao thì bến xe không phục vụ", ông Thành nói.
Tại bến xe Nước Ngầm, 30 doanh nghiệp vận tải chở khách đi các tuyến Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Huế cũng thông báo tăng giá vé từ 13 đến 50%.
"Nhà xe tăng giá vé đều đăng ký kinh doanh ở các tỉnh miền Trung và bảng giá đó đã được các Sở Giao thông Vận tải địa phương duyệt. Còn doanh nghiệp xe khách ở Hà Nội thì đều giữ giá ổn định", ông Trịnh Hoài Lam, Phó giám đốc bến xe Nước Ngầm nói.
Lãnh đạo bến xe Nước Ngầm khẳng định với các trường hợp nhà xe thu tiền của khách cao hơn giá vé đã đăng ký, bến xe sẽ báo cơ quan chức năng và từ chối phục vụ 15 ngày.
Theo ông Nguyễn Anh Toàn, Giám đốc công ty cổ phần bến xe Hà Nội, 5 ngày cao điểm phục vụ Tết vừa qua, lượng khách tại các bến Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm tăng từ 130 đến 150% so với ngày thường. Đơn vị có tăng cường 2.200 xe cho 3 bến. "Lượng xe tại bến đủ nhu cầu của hành khách, không xảy ra tình trạng quá tải, thiếu xe", ông Toàn nhận định.
Trước đó ngày 17/1, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ đã đi kiểm tra tình hình vận tải dịp Tết ở Hà Nội. Ông không đồng tình khi nhiều xe khách tăng giá vé tới 60% vào dịp Tết. "Các doanh nghiệp đã kinh doanh ổn định trong cả năm, do vậy giá vé cuối năm phải ổn định và chỉ nên tăng trong khoảng 15-20%", ông Thọ nói.