Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tốc độ được ghi nhận cuối cùng của ôtô khách lúc 3h38 phút sáng 11/7 là 65 km/h, trước đó 10 giây là 59 km/h. Nhưng khi ôtô vào khu vực đèo Ngọc Vin, xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy thì không có sóng nên không xác định được tốc độ. Xe lao xuống vực khoảng 4h.
Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, xe giường nằm này được sản xuất năm 2016, được phép chở 46 người và còn hạn kiểm định. Xe đăng kiểm định kỳ lần gần nhất hôm 20/3 tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới ở Thanh Hóa và có thời hạn đến 19/9. Theo dữ liệu quản lý kiểm định, xe không đăng ký kinh doanh vận tải và trên xe không lắp thiết bị giám sát hành trình.
Theo Sở Giao thông Vận tải Kon Tum, xe khách của nhà xe Minh Thắng đăng ký chạy hướng Thanh Hóa và TP HCM, nhưng lại chạy vào quốc lộ 14C. Đoạn đường xảy ra tai nạn là đường đèo, dốc nguy hiểm, nhiều khúc cua gấp. "Quốc lộ này đang được sửa chữa, nâng cấp, chưa có biển báo quy định tốc độ bao nhiêu", ông Nguyễn Hữu Hùng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết.
Thông tư số 91 năm 2015 của Bộ Giao thông Vận tải quy định, tốc độ tối đa ôtô chở người trên 30 chỗ ngoài khu dân cư ở đường không có dải phân cách là 70 km/h. Tuy nhiên với đường có địa hình quanh co, đèo dốc, xe cần phải giảm tốc độ.
Ông Nguyễn Hữu Hùng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết, xe giường nằm bị nạn không được chạy trên quốc lộ này. "Xe này muốn chạy phải thiết lập tuyến, song Thanh Hóa và Kon Tum chưa thiết lập tuyến vận tải hành khách", ông Hùng nói.
Cũng theo Giám đốc Sở, quốc lộ này đang được sửa chữa, nâng cấp. "Đường này vừa mới rải nhựa và chỉ cho phép xe giường nằm đi khi hoàn tất các điều kiện đảm bảo an toàn", ông nói.
Xe giường nằm chở 40 người, trong đó có 9 trẻ em, từ Thanh Hóa vào Đăk Lăk. Làm việc với cảnh sát khi chỉ bị thương nhẹ, bước đầu tài xế Mai Hải Nam (39 tuổi, quê Thanh Hóa) khai khi xe đến huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) rạng sáng nay, anh thay ca cho một tài xế khác. Chạy được hơn 50 km, đến đèo Ngọc Vin, tài xế nói phát hiện bị mất phanh, không xử lý được nên xe lao xuống vực.
Tai nạn làm 5 người chết (2 nam, 3 nữ, 7-60 tuổi), trong đó có hai trẻ em. 35 người bị thương được đưa đi Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi và Bệnh viện tỉnh Kon Tum. Đa số nạn nhân quê Thanh Hóa, Đăk Lăk, Kon Tum, Nghệ An, Ninh Bình...
Theo cơ quan điều tra, cả tài xế và phụ xe đều không có nồng độ cồn trong máu. Riêng phụ xe Trần Minh Tú (đã chết, quê Thanh Hóa) dương tính ma túy. "Tài xế khai chạy tốc độ 35 km/h, trong khi hành khách cho rằng lúc xảy ra tai nạn xe chạy rất nhanh. Hiện công an đang điều tra", trung tá Phan Tiến Dũng, trưởng công an huyện Sa Thầy cho biết.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, xe gây tai nạn thường xuyên di chuyển trên tuyến đường này và nơi xảy ra tai nạn là "điểm đen" tai nạn nhưng không có lan can. "Nếu có lan can bảo vệ chắc chắn không xảy ra tai nạn thảm khốc như vậy", ông Hùng nói.
Quốc lộ 14C qua tỉnh có chiều dài hơn 100 km, nối xuyên qua 3 huyện từ Ngọc Hồi, qua Sa Thầy rồi đến Ia H'Drai (giáp với huyện Ia Grai, Gia Lai) là tuyến đường huyết mạch, có vai trò quan trọng với an ninh biên giới.
Quốc lộ được đầu tư từng giai đoạn trong khoảng 10 năm qua. Hiện gần 40 km đoạn qua huyện Ia H’Drai và đoạn từ trung tâm huyện Ngọc Hồi đến xã Sa Loong (huyện Ngọc Hồi) đã được khai thác sử dụng.
Khoảng 60 km còn lại trong đó có đoạn đường ở huyện Sa Thầy được Sở Giao thông Vận tải chia thành nhiều gói thầu, dự kiến hoàn thành việc trải nhựa toàn bộ tuyến vào cuối năm.
Đăng Khoa - Phước Tuấn - Trần Hóa - Phạm Linh