Trong bài "Ôtô đang ám ảnh người Việt trẻ", tác giả Hoàng Tùng phân tích có cái đúng, nhưng chưa đủ. Ám ảnh tác giả đề cập có vẻ là sĩ diện, cảm giác "tôi có điều kiện, tôi đi ôtô".
Nhưng thật ra, sao tác giả không nghĩ nhiều người muốn mua ôtô sớm là vì bị "ám ảnh" bởi thực trạng an toàn giao thông? Nhu cầu che nắng che mưa cho vợ con? Nhu cầu công việc vì không phải lúc nào cần là lại đi thuê hay taxi?
Bản thân tôi cũng vừa hơn 30 tuổi, đi từ bàn tay trắng, cũng có nhà, có xe, nhưng chưa bao giờ tôi "lấy xe hơi làm đích đến", cũng không có suy nghĩ "quan trọng nhất là hàng ngày họ được di chuyển bằng xe hơi". Đơn giản, xe hơi là "phương tiện", là điều kiện "đủ", chứ không phải "cần". Hàng ngày, nếu không mưa gió, không đi công tác, vợ chồng con cái tôi vẫn đi xe máy.
Trả góp cũng là hình thức nợ, tâm lý nợ làm cuộc sống nặng nề, không ai bàn cãi. Nhưng nếu công việc bạn ổn định thì việc trả góp hàng tháng để có phương tiện phục vụ cuộc sống (hãy nghĩ theo hướng tích cực) thì chẳng có gì không tốt đâu bạn, cũng như khoảng chi tiêu hàng tháng thôi.
Nhiều người nghĩ mua ôtô trả góp, hay trả một lần, nếu không dùng hết công suất thì sẽ phí. Nhưng thật ra không như vậy. Sở hữu xe nghĩa là bất cứ khi nào bạn cần là có ngay, không phải khi cần thì gọi thuê, gọi taxi... Thứ nhất chưa chắc có sẵn cho bạn, thứ hai tài xế ngoài lái có an toàn hay không? Thứ ba, xe ngoài chắc bẩn hơn xe nhà,... và còn cả ngàn lý do khác mà người có xe "bao biện" nữa, nhưng không phải là không có lý.
Nói chung, xe hơi hay bất cứ phương tiện nào cũng chỉ là điều kiện "đủ", không phải "cần". Nếu bạn thấy có nhu cầu thật sự thì cứ mua, trả một lần hay trả góp không quan trọng. Đương nhiên, như tác giả nói, phải "phụ thuộc vào thực lực của tôi", đó là điều đáng hoan nghênh.
Độc giả Nhất Nguyễn