Dù UBND thành phố Hà Nội đã có chỉ thị yêu cầu Sở GD&ĐT cùng công an thành phố xử lý nghiêm việc học sinh đi xe gắn máy, nhưng tình trạng vi phạm vẫn ngang nhiên diễn ra. Tại hầu hết trường THPT, học sinh vẫn đi xe máy, bất chấp lệnh cấm của nhà trường. Một số trường THCS ở Hà Nội như Ngô Sĩ Liên, Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Hoàn Kiếm, học sinh đua nhau đi xế nổ.
Tuổi teen phi xe máy
10h sáng 30/1, hàng chục học sinh trong bộ đồng phục THCS Ngô Sĩ Liên và THCS Nguyễn Du đỗ xe máy, xe đạp trước cửa Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam trên phố Lý Thường Kiệt. Được nghỉ học nên những học sinh này tụ tập nhau lại để bàn chuyện đi chơi. Nửa tiếng sau, nhóm lên đường, một số xe kẹp 3, một xe kẹp 4.
Học sinh cấp 2 cũng tập tành" kẹp" 4. Ảnh: T.D. |
10 phút sau, chiếc xe Wave đỏ do một nữ sinh dáng người nhỏ nhắn, ăn mặc sành điệu điều khiển lại quay về chỗ cũ đón mấy cậu bạn đang đứng chờ xe. Điểm đến của những học sinh này chính là cửa hàng internet kiêm quán hàng ăn trước cổng trường Việt Đức.
Sau một hồi ăn uống vô tư, đến giờ tan học, cả đám lại lũ lượt chở nhau về cổng trường Ngô Sĩ Liên. Trên phố Nguyễn Chế Nghĩa đối diện cổng trường, gần chục học sinh tụ tập dưới lòng đường trước quán nước trò chuyện rôm rả, chốc chốc lại cười phá lên. Nhưng chỉ thoáng thấy bóng giáo viên thò ra khỏi cổng trường là các học sinh này bỗng dưng ngừng trò chuyện và quay mặt đi chỗ khác.
Khi VnExpress trao đổi về tình trạng học sinh của trường đi xe gắn máy, cô Lý Thị Lương, Hiệu phó THCS Ngô Sĩ Liên (quận Hoàn Kiếm) luôn miệng phủ nhận. Dù tận mắt xem tấm ảnh chụp học sinh ngồi trên xe máy trước cổng trường, nhưng cô Lương vẫn cho rằng cần phải cung cấp rõ bằng chứng (phải có ảnh chụp rõ mặt học sinh đi xe gắn máy) thì trường mới có thể căn cứ vào đó để xử lý.
THCS Ngô Sĩ Liên yêu cầu phóng viên cung cấp bằng chứng để xử lý. Ảnh: T.D. |
Việc học sinh vi phạm pháp luật còn có sự "vô tư" của chính những bậc phụ huynh. Tại cổng trường THCS Nguyễn Trãi (phố Giang Văn Minh), cô Lan, bán nước trên vỉa hè cho hay: "Đấy! Con gái đèo mẹ đi học kìa". Từ xa, cô học sinh dáng vẻ loắt choắt đang kiễng chân, nghiêng người xách cặp bước xuống xe.
Bãi xe ngoài trường vẫn tấp nập
Vào giờ tan tầm, bãi giữ xe tại ngã tư Giang Văn Minh - Kim Mã tấp nập người ra vào, đa phần là học sinh. Chưa đầy 15 phút đã có khoảng 30 học sinh mặc đồng phục có phù hiệu THPT Nguyễn Trãi vào lấy xe. Nhiều em còn ngang nhiên "kẹp" 3 phi từ trong bãi ra, trước sự chứng kiến của cảnh sát giao thông.
Nhiều người cho rằng chỉ cần nhìn vào bãi xe là có thể thấy được "chất chơi" của học sinh trung học Hà Nội, thấy được "độ giàu" của học sinh từng trường. Nhan nhản tại các bãi gửi xe xung quanh nhiều trường phổ thông là các loại xe đắt tiền. Bãi xe trên phố Phan Chu Trinh (gần THPT Trần Phú) cũng không phải ngoại lệ. Giờ tan học, từng tốp học sinh cưỡi trên những con xe đắt tiền như Dylan, SH, Vespa... phóng vù vù ra đường.
Nằm ngay cạnh THPT Trần Phú, phố Nguyễn Khắc Cần và con ngõ nhỏ Tràng Tiền luôn tấp nập người và xe qua lại. Xe máy, xe đạp được dựng kín trên vỉa hè và đỗ tràn cả dưới lòng đường. Tan học, từng tốp học sinh ùn ùn kéo vào lấy xe. Khi được hỏi có nhiều học sinh gửi xe tại đây không, một người trông xe bực tức: "Thấy rồi còn phải hỏi".
Điểm trông xe trên phố Kim Mã trở thành bãi xe của học sinh THPT Nguyễn Trãi. Ảnh: T.D. |
Theo nhận định của lãnh đạo THCS Ngô Sĩ Liên, nhiều học sinh gửi xe ở phố Nguyễn Chế Nghĩa nằm đối diện cổng trường. Một người trông xe tại đây cho biết, nhiều học sinh của trường thường xuyên gửi xe tại đây nhưng "toàn là xe đạp thôi, làm gì có cái xe máy nào". Tuy nhiên, vào giờ tan học, chốc chốc lại thấy những học sinh 9X dáng vẻ sành điệu phi xe máy từ trong bãi ra.
Kỷ luật học sinh đi xế nổ
"Học sinh cấp 2 không được phép đi xe máy. Đầu năm trường đã yêu cầu học sinh làm cam kết không được sử dụng xe máy. Dù chưa bắt được đích danh trường hợp nào nhưng tôi cho rằng chắc là có học sinh đi xe máy tới trường", cô Lương cho biết.
Đầu năm nay, qua kiểm tra 2 trưởng THPT Hai Bà Trưng và Trần Nhân Tông, công an quận Hai Bà Trưng xử lý 60 trường hợp vi phạm. Trong đó, 25 em mắc các lỗi như chưa đủ tuổi điều khiển xe gắn máy, không giấy phép lái xe, không mang theo đăng ký.... Công an đã tạm giữ 25 xe này trong thời hạn 10 ngày để xử lý vi phạm. |
Tuy nhiên, theo cô Lương, cái khó hiện nay vẫn là việc trường không thể tự ý vào các bãi xe của người dân để kiểm tra. Do vậy, biết là học sinh thường xuyên gửi xe trong phố Nguyễn Chế Nghĩa, nhưng không bắt được. Sắp tới, trường sẽ phối hợp với công an phường kiểm tra các bãi xe xung quanh trường. Tùy mức độ sai phạm mà có thể yêu cầu học sinh làm bản kiểm điểm, hạ hạnh kiểm, cho nghỉ học 1-2 hôm và mời phụ huynh đến làm việc.
Trao đổi với VnExpress, cô Quách Giáng Hương, hiệu phó THPT Nguyễn Trãi cho biết, có hiện tượng học sinh đi xe máy gửi ngoài trường. Hôm qua, trường đã bắt và kỷ luật 3 học sinh (2 em lớp 12 và 1 em lớp 11) đi xe máy đi học.
Đợt tới, trường sẽ phối hợp với công an phường và cảnh sát giao thông không để cho học sinh gửi xe bên ngoài. Trường đang tiến hành lấy phiếu điều tra lượng học sinh đi xe máy tới trường để bàn bạc với phụ huynh có biện pháp giải quyết hợp lý.
Tiến Dũng
Bạn đọc lên tiếng:
Người gửi: Nguyễn Hữu Cường
Gửi tới: Ban Xã hội
Tiêu đề: ý kiên về xử lí vi phạm luật giao thông
Cấm người dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô là việc nên làm. Một số gia đình lấy lý do nhà xa, không tiện đường đưa đón cũng rất hợp lý. Nhưng tôi thấy cũng có rất nhiều phụ huynh "rèn luyện" cho con họ bằng cách tự lập "xe đạp hoặc xe buýt". Không phải là họ nghèo mà họ muốn thấy được sự kiên nhẫn, nỗ lực của con em mình. Tôi cũng xin góp ý một điều là, luật đã được nhà nước thông qua và đưa ra những quy định chung thì người dân phải thi hành.
Người gửi: LHN
Gửi tới: Ban Xã hội
Tiêu đề: Cảnh tỉnh
Hiện nay tình hình ở Hà Nội việc học sinh PTTH đi xe máy trên đường phố là bình thường. Nhưng câu hỏi đặt ra là những người điều khiển những chiếc xe máy đó đã đủ điều kiện chưa? Theo tôi được biết thì phải đủ 18 tuổi mới được thi lấy bằng lái xe hạng A1. Tôi nghĩ rằng điểm chốt của tình trạng học sinh đi xe máy chính là sự chiều chuộng của những người làm cha làm mẹ. Nhiều em mới học THPT đã đi những chiếc xe máy đắt tiền như @, SH...
Người gửi: Trần Ngọc Tuân
Gửi tới: Ban Xã hội
Tiêu đề: Dân không tôn trọng luật hay quyền lợi của dân không được quan tâm
Là một người thuộc thế hệ 8X, tôi hiểu được những vấn đề mà các em 9X đang phải trải qua. Ai chẳng biết rằng không có giấy phép lái xe thì hiển nhiên là không được điều khiển xe máy, nhưng nếu không có xe máy làm sao các em có thể giải quyết được hàng đống công việc học tập diễn ra mỗi ngày? Làm thế nào các em có thể đạp xe đạp tới mười mấy cây số mỗi ngày để đi học thêm, cũng như tham gia các hoạt động giải trí khác, trong khi các phương tiện giao thông công cộng lại không thể đáp ứng được? Bố mẹ cũng có công việc vất vả phải làm mỗi ngày, không thể trích ra vài tiếng đồng hồ mỗi ngày để chở con cái đi học thêm, đi chơi...
Tại sao lại không tạo cơ hội cho các em sử dụng những loại xe nhỏ, phù hợp như xe tay ga phân khối nhỏ (dưới 50cc) với tốc độ không quá 45km/h? Như vậy sẽ vừa đúng luật, an toàn, tiết kiệm mà lại rất hữu ích. Tôi thấy ở nước ngoài những loại xe này rất phát triển. Trong thành phố không được phép đi nhanh, nên tốc độ 45-50km/h là hoàn toàn hợp lý.
Người gửi: Phuong Le
Gửi tới: Ban Xã hội
Tiêu đề: Toi ung ho viec cam hoc sinh di xe may tren 50 phân khối
Ngày nay, các em có thể phát triển sớm về thể chất, nhưng khả năng tự kiềm chế, ý thức tôn trọng pháp luật, hiểu biết về luật giao thông... còn thiếu. Chính mắt tôi chứng kiến nhiều cô bé mặc áo khoác đồng phục THCS Ngô Sĩ Liên, phóng xe ầm ầm trên đường. Hơn nữa, các cô cậu học sinh cấp 2 đã được đi những xe sành điệu, đắt tiền như @, SH, Dylan... Các em chủ yếu là đua đòi hơn là giải quyết vấn đề đi lại. Các bậc phụ huynh thương con đi học xa, tại sao không mua cho các em xe phân khối nhỏ hay xe đạp điện mà phải sắm xe phân khối lớn?
Theo tôi, CSGT hiện nay mới chỉ chăm chú phạt, xử lý những người vi phạm giao thông các lỗi nhỏ như vượt đèn đỏ, lấn vạch sơn... CSGT cần phải áp dụng các hình phạt mạnh đối với các cô cậu học sinh này như: thu giữ phương tiện, xử lý hành chính nặng...