Thứ năm, 28/3/2024
Thứ hai, 23/11/2020, 07:00 (GMT+7)

Xe Go-Kart giá hơn 200 triệu đồng - đồ chơi cho mọi lứa tuổi

Nhập khẩu nguyên chiếc, động cơ 210 phân khối, công suất 10 mã lực, Go-Kart được ví như loại xe nhập môn của các tay đua F1.

Khởi phát khoảng hơn 2 năm qua, loại hình đua xe Go-Kart không còn quá lạ lẫm với những người mê thể thao tốc độ tại Việt Nam. Tuy nhiên với chi phí không nhỏ để sở hữu xe, đầu tư trang thiết bị bảo hộ, môn thể thao này vẫn khu biệt ở một số nhóm nhỏ người chơi chứ chưa nở rộ.

Theo anh Vương Thịnh, một trong những người chơi tiên phong của bộ môn Go-Kart tại Việt Nam từ 2017, giá một mẫu xe Go-Kart nhập khẩu từ Australia khoảng 10.000 USD (hơn 200 triệu đồng), những tuỳ chọn khác có thể khiến giá xe cao hơn. Những người không có điều kiện sở hữu xe riêng, có thể thuê xe để tập luyện với chi phí khoảng 700.000 đồng/10 phút ở trường đua Đại Nam, Bình Dương. Thuê xe để chạy nguyên ngày, chi phí lên đến 2-3 triệu đồng.

Go-Kart là một mẫu xe với thiết kế gần như "lộ thiên" và đơn giản thuần cơ khí, không có bất kỳ can thiệp điện tử nào về hệ thống lái hay giảm xóc. Xe có một chỗ ngồi duy nhất cho người điều khiển.

Nếu coi xe đua F1 đại diện cho các tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong công nghệ chế tạo ôtô, hiệu quả khí động học và hiệu suất hoạt động động cơ, xe Go-Kart đơn giản hóa tất cả, cho người lái những trải nghiệm chân thực nhất và ở độ khó thấp nhất trước khi lên các cấp độ cao hơn như F4, F3, F2 và F1.

Động cơ của xe Go-Kart thường có hai loại: 2 thì và 4 thì. Với chi phí sử dụng thấp và dễ bảo dưỡng hơn, động cơ 4 thì thường được người chơi tại Việt Nam lựa chọn. Động cơ này có dung tích 210 phân khối, làm mát bằng dung dịch, công suất khoảng 10 mã lực, mô-men xoắn cực đại 15 Nm.

Xe Go-Kart khởi động bằng cách giật nổ (tương tự cách khởi động máy cắt cỏ). Động cơ làm mát bằng dung dịch.

Vô-lăng 3 chấu trên xe Go-Kart đơn giản. Cơ cấu truyền lực từ vô-lăng đến trục lái và điều hướng sang hai bánh trước đều thuần cơ khí. Những vận động viên điều khiển vì thế cần có thể lực và sự dẻo dai để cầm lái.

Vì cấu tạo cơ bản nhất nên loại xe này phù hợp với cả người lớn và trẻ nhỏ. Tại Việt Nam, một số phụ huynh khá đầu tư cho con mình luyện tập Go-Kart với những mục tiêu xa xôi hơn trong bộ môn đua xe chuyên nghiệp.

Bình xăng đặt ngay dưới vô-lăng. Trong những cuộc đua chính thức, bình xăng được các đội tính toán làm sao hoàn thành chặng đua với lượng nạp nhiên liệu ít nhất để giảm trọng lượng, giúp xe tăng tốc tốt hơn.

Hai "bàn đạp" gồm phanh bên trái và ga bên phải. Với những xe sở hữu cá nhân, vị trí hai bàn đạp này có thể được điều chỉnh để vừa vặn với thể trạng người điều khiển.

Trục truyền động hoàn toàn cơ khí khiến phản hồi từ chân người điều khiển đến phanh, ga gần như ngay lập tức.

Trục phía sau gồm có bánh răng truyền động bên phải và phanh đĩa có rãnh thông gió bên trái.

Ghế xe đua Go-Kart làm từ nhựa pha sợi thủy tinh để tiết giảm trọng lượng tổng.

Một tay đua trên xe Go-Kart tại giải đua tranh cúp Đại Nam - FRV, "Thắng hay thua - đua mới biết" mùa 2 do Formula Racing Vietnam tổ chức hôm 22/11.

Xe đua Go-Kart giá 100 triệu tại Việt Nam
 
 

Video: Xe Go-Kart trên đường đua Đại Nam, Bình Dương.

Phạm Trung