Theo Điều 55 Luật Giao thông đường bộ 2008, chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Chủ phương tiện, người lái xe ôtô chịu trách nhiệm duy trì tình trạng an toàn kỹ thuật của phương tiện theo tiêu chuẩn quy định khi tham gia giao thông đường bộ giữa hai kỳ kiểm định.
Theo quy định nêu trên, việc thay thế các phụ kiện bên ngoài không ảnh hưởng đến an toàn thì không bị cấm. Tuy nhiên, pháp luật không cho phép tự ý đổi kết cấu, tổng thành, cấu tạo của xe.
Các hành vi thay đổi kết cấu, tổng thành, cấu tạo của xe môtô sẽ bị xử phạt bao gồm: tự ý thay đổi nhãn hiệu, màu sơn của xe không đúng với Giấy đăng ký xe; tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước, đặc tính của xe.
Nếu "độ" quá tay mà bị phạt, người thợ "độ" xe sẽ không phải chịu trách nhiệm. Trường hợp này, trách nhiệm sẽ thuộc về chủ phương tiện.
Theo đó, căn cứ Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, quy định về việc xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ liên quan đến việc thay đổi kết cấu của xe như sau:
Chủ phương tiện mô tô tự ý thay đổi nhãn hiệu, màu sơn của xe không đúng với Giấy đăng ký xe sẽ bị phạt tiền 100-200 nghìn đồng (khoản 1 Điều 30).
Chủ phương tiện mô tô tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước, đặc tính của xe sẽ bị phạt 800 nghìn đến hai triệu đồng (điểm c khoản 5 Điều 30).
Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc phải khôi phục lại nhãn hiệu, màu sơn ghi trong Giấy đăng ký xe theo quy định.
Luật sư Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội