Nhóm nghiên cứu tại Đại học Khoa học và Công nghệ Quốc gia Seoul (SeoulTech) phát triển xe đẩy bay Palletrone, cho phép người dùng vận chuyển đồ đạc ở ngang tầm ngực thay vì phải đẩy một chiếc xe có bánh dưới sàn nhà, New Atlas hôm 24/9 đưa tin. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí IEEE Robotics and Automation Letters.
Về cơ bản, Palletrone gồm drone đa động cơ đặt trong một chiếc lồng, bên trên là mặt phẳng để chất hàng. "Xe đẩy được thiết kế với bề mặt phẳng rộng rãi phía trên để dễ dàng chất hàng, kết hợp thêm tay cầm phía sau giống như xe đẩy. Để điều khiển quỹ đạo bay, người dùng sẽ nắm tay cầm, tác dụng các lực và mô-men ba chiều, đồng thời duy trì việc vận chuyển hàng hóa ổn định mà không lắc lư hay nghiêng", nhóm nghiên cứu giải thích.
Người dùng được bảo vệ khỏi các cánh quạt quay nhanh của drone nhờ chiếc lồng bao quanh. Lồng có nhiều khe hở cho phép đủ lượng không khí cần thiết tràn vào để drone bay được, hiệu suất chỉ giảm ở mức tối thiểu.
Tiếng ồn từ drone là một nhược điểm của Palletrone. Nhược điểm khác là xe đẩy hiện có trọng tải tương đối thấp, chỉ 2,93 kg - không đủ để chở lượng đồ mà một gia đình mua sắm mỗi tuần hay giúp nhân viên kho di chuyển hàng hóa hiệu quả. Ngoài ra, thời gian hoạt động của xe đẩy cũng phụ thuộc vào pin của drone.
Đa số vấn đề trên có thể được giải quyết khi nhóm nghiên cứu tiếp tục cải tiến Palletrone. Xe đẩy bay vẫn mang lại lợi ích lớn vì cho phép người dùng dễ dàng lên xuống cầu thang và không cần lo ngại bánh xe mắc kẹt hay hỏng hóc.
Trong phiên bản hiện tại, nhóm nghiên cứu sử dụng thuật toán điều khiển bay cơ bản từ nghiên cứu cũ của một số thành viên trong nhóm. Hệ thống cũng sử dụng các bộ truyền động để liên tục điều chỉnh độ lắc lư và nghiêng - giúp xe ổn định trong quá trình hoạt động, đồng thời cân nhắc lực tác động từ người dùng.
Ngoài ứng dụng cho logistics hay trong siêu thị, cửa hàng tạp hóa, Palletrone có thể đóng vai trò như một chiếc tripod (chân đỡ camera có 3 trụ) bay, cho phép di chuyển camera linh hoạt với đa dạng góc quay. Theo Seung Jae Lee, thành viên nhóm nghiên cứu, bước tiếp theo có thể là phát triển hệ thống sạc ngay trong khi bay để tăng thời gian hoạt động.
Thu Thảo (Theo New Atlas)