Ngày 6/3, Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng, cho biết Thanh tra Sở đã phối hợp lực lượng chức năng xác minh về tình trạng pháp lý và hoạt động của xe cấp cứu, sau khi nhận tin xe bốc cháy trong bãi xe ở đường Lê Hồng Phong, phường 12, quận 10.
Tài xế nam 29 tuổi, ở Phú Yên, sau khi được sơ cấp cứu điều trị bỏng, nhận là chủ của chiếc xe cháy. Người này cho biết mua xe từ người quen khoảng 6 tháng trước nhưng chưa làm thủ tục sang tên. Xe thường đậu tại nhà ở tỉnh Phú Yên để vận chuyển người bệnh. Thỉnh thoảng, có người bệnh xuất viện tại Bệnh viện Chợ Rẫy liên hệ, anh đưa xe từ Phú Yên vào TP HCM để đón về nhà.
Làm việc với Thanh tra Sở Y tế, tài xế cho biết hơn 12h ngày 5/3 đang vặn van kiểm tra lượng oxy bình đặt trong xe cứu thương thì đột ngột phát ra tiếng nổ và bốc cháy từ bên trong xe. Anh cung cấp các giấy tờ gồm hợp đồng ủy quyền từ chủ xe cũ, giấy chứng nhận đăng ký ôtô, giấy chứng nhận kiểm định, giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên do Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP HCM cấp cho Công ty TNHH 115 Xuyên Á ngày 27/12/2023.
Tuy nhiên, người này xác nhận xe chưa được cấp phép hoạt động vận chuyển cấp cứu, vận chuyển người bệnh. Riêng Công ty TNHH 115 Xuyên Á, Sở Y tế đã cấp giấy phép hoạt động dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh tại địa chỉ ở Tân Bình với hai xe cứu thương, biển số khác xe này, ngày 20/9/2022.
Thanh tra Sở Y tế tiếp tục phối hợp các cơ quan chức năng làm rõ những vi phạm của chủ xe trên.
Theo ông Thượng, ngành y tế mong sớm có quy định riêng biệt hai loại hình, gồm xe cấp cứu và xe vận chuyển người bệnh để đảm bảo an toàn bệnh nhân cũng như thuận lợi hơn trong công tác quản lý nhà nước.
Trên thế giới, xe chỉ để vận chuyển người bệnh mà không có can thiệp điều trị cấp cứu tại hiện trường trước đó và không cần tiếp tục hồi sức trên đường chuyển được gọi là xe cứu thương "ambulance". Ngược lại, xe dùng để đến hiện trường ở ngoài bệnh viện để nhân viên y tế sơ cấp cứu và sau đó vận chuyển về bệnh viện để tiếp tục điều trị, cần tiếp tục hồi sức trên xe thì được gọi là "emergency ambulance".
Nhiều nước đã quy định rõ, xe "ambulance" không được gắn đèn ưu tiên, không còi hụ, nhân viên theo xe không nhất thiết là chuyên viên cấp cứu ngoài bệnh viện. Xe "amergency ambulance" phải được trang bị hệ thống đèn ưu tiên và còi hụ, trên xe đầy đủ các dụng cụ và phương tiện cấp cứu, nhân viên theo xe phải là chuyên viên cấp cứu ngoài bệnh viện được đào tạo chính quy.
Cuối năm ngoái, Sở Y tế TP HCM kiểm tra 8 công ty vận chuyển cấp cứu tư nhân, chỉ 2 cơ sở thực hiện đúng quy định, 6 đơn vị còn lại có nhiều vi phạm như không có bãi đậu xe, chưa đáp ứng thuốc cấp cứu trên xe cứu thương...
Lê Phương