Thứ hai, 1/10/2018, 10:00 (GMT+7)

Xe công nghệ thay đổi thói quen người dùng Việt

Sự xuất hiện của ứng dụng đặt xe công nghệ giúp người dân đô thị di chuyển thuận tiện, tiết kiệm chi phí, tạo thu nhập ổn định cho tài xế.

12h trưa, giữa cái nắng chói chang của Sài Gòn, bà Tư núp vội vào trạm chờ xe buýt. Hai phút sau, một thanh niên mặc áo khoác màu xanh lá cây xuất hiện trên chiếc Honda Wave RS. Người phụ nữ ngoài 60 tuổi nhanh chóng nhận ra đây là bác tài của mình khi liếc nhìn biển số.

Cảnh tượng quen thuộc này đã lặp đi lặp lại suốt 3 năm qua, kể từ ngày bà Tư được cháu ngoại hướng dẫn đặt xe qua Grab.

"Bấm bấm" để gọi xe 

Nhà ở Tiền Giang, cứ mỗi tháng bà Tư lại đón xe khách lên Sài Gòn khám bệnh ở quận 10. Hơn chục năm bà quen với cảnh bước xuống bến xe miền Tây và rảo mắt nhiều vòng để tìm một người xe ôm "nhìn có vẻ đàng hoàng" chở mình tới bệnh viện. Mất cả buổi trời cho các xét nghiệm, vào phòng khám gặp bác sĩ, mua thuốc, chỉ đến khi nắng đã lên đến đỉnh của ngày bà mới vật vờ bước ra cổng bệnh viện. Một lần nữa bà lần tìm một người xe ôm cho chuyến đi ngược lại hoặc ghé thăm cháu gái đang sống ở quận 5.

"Mỗi lần như thế là một lần mệt. Tôi đã có tuổi nên cứ đi tìm xe ôm hoài mệt lắm nhưng không thể nhắm mắt đi đại vì sợ bị lừa", bà nhớ lại.

Ba năm trước, cháu gái mua tặng bà chiếc điện thoại thông minh bình dân, cài ứng dụng Grab và hướng dẫn cách đặt xe. Lần đầu tiên tiếp xúc với công nghệ, người phụ nữ lục tuần bối rối, liên tục trỏ ngón nhầm vào các phím trên màn hình. Phải mất 2 tháng bà mới quen nhấn gọi và sử dụng các tính năng cơ bản trên điện thoại.

Cuộc sống của tôi đã thay đổi từ đó, đi xe ôm công nghệ giá rẻ hơn chỉ bằng cách bấm bấm vài cái, an toàn mà không sợ bị lừa. 
bà Tư hồ hởi kể về những chuyến đặt Grab đầu tiên

Một năm 12 lần đi khám bệnh, cộng thêm vài dịp lên thăm cháu gái, tất cả những chuyến xe di chuyển quanh Sài Gòn của bà giờ đây đều gắn bó với Grab. Bà tự nhẩm tính số tiền tiết kiệm được từ ngày chuyển sang sử dụng ứng dụng so với hồi còn đi xe ôm không hề ít.

Xuân - cháu gái bà Tư lên Sài Gòn học từ năm 2012. Cô không quên ngày đầu một mình chân ướt chân ráo đến thành phố mà không có bố mẹ đi cùng và bị một nhóm xe ôm vây lấy chèo kéo, thậm chí họ muốn đánh nhau. Xuân quyết định ra trước bến đón xe buýt dù không rành đường vì thấy thiếu thiện cảm.

Nhưng xe ôm lúc bấy giờ vẫn là phương tiện chính cho những cuốc đi trong nội thành nếu người ta ngại lên xe buýt hay không dư dả để đón taxi. Khách và tài mặc cả giá rồi lên xe, người ngồi phía sau thường có cảm giác bị hớ nếu lỡ phát hiện đoạn đường không xa mấy. Trong tâm trí những vị khách, tài xế xe ôm luôn hiện ra như những người lừa đảo, cố đẩy cao giá cho bằng được. Còn trong mắt tài xế, khách hàng lúc nào cũng ép giá, xem thường công việc của họ. Có một lằn ranh vô hình giữa hai phía, họ chỉ tin tưởng nhau khi có sự thân quen, tức nhiều lần chạm mặt và đón đưa, khi đã trò chuyện và hiểu phần nào về đối phương.

Xuân cũng vậy, cô có một "mối ruột". Vào một ngày mưa nhẹ nhưng dai dẳng không thể đi bộ tới trạm xe buýt, cô sinh viên lúc này đành bấm bụng tìm một tài xế chở đến trường. Nhìn bộ dạng người đàn ông bặm trợn, cô hoài nghi nhưng vẫn đến trả giá, leo lên xe và cảm thấy hoàn toàn an tâm khi ông chạy rất đàng hoàng. Những lần sau có việc phải đi đâu đó, ra đầu ngõ là Xuân tìm đến người xe ôm ấy.

Nhưng đến một ngày, mối quen đột nhiên không còn đậu xe đón khách chốn cũ, không rõ là chuyển nhà hay đổi việc. Cô gái trẻ quyết định dùng thử ứng dụng Grab để gọi xe và gắn bó đến khi ra trường rồi đi làm.

Giới trẻ bây giờ ai mà chẳng biết Grab, mình nghĩ họ đã thật sự tạo được lòng tin với người dùng Việt.
Xuân nhận xét

Với nhiều người thành thị, đây đã trở thành một trong những lựa chọn hàng đầu khi cần đến phương tiện di chuyển giữa phố phường náo nhiệt. Bước ra đường, người ta có thể bất chợt nhìn thấy màu xanh lá cây đã trở thành đặc trưng của các tài xế GrabBike. 

"Bấm bấm" để kiếm tiền

Huỳnh Kim Long trở thành tài xế của GrabCar từ tháng 7/2014. Tài xế sẽ được Grab hỗ trợ tiền cuốc xe, càng chạy nhiều thì càng có thêm tiền thưởng.

Đơn cử là chạy trên 12 cuốc được thưởng 400.000 đồng, chạy chuyến ngắn thì được hỗ trợ 40.000 đồng, trong ba tháng đầu không phải chia phần trăm cho công ty. Có khi một ngày chỉ chạy hơn 100 km nhưng Long đã kiếm được gần 500.000 đồng.

Tổng kết, tháng ấy thu nhập lên tới 36 triệu sau khi đã trừ chi phí xăng xe. Trước đó, Long chạy hợp đồng cho công ty Hàn Quốc với mức lương chỉ 10 triệu đồng nhưng bị động thời gian, thường phải làm khuya, có khi đến 23h vẫn chưa thể về nhà. Từ khi chạy GrabCar, Long hoàn toàn chủ động, không bị ai làm phiền, có thể nghỉ nếu nhà có công việc hay mỗi khi mệt là tắt ứng dụng.

Thời gian đầu, số lượng tài xế đăng ký Grab còn ít, Long càng chạy càng hăng vì tiền đổ vào túi ngày càng nhiều, đỉnh điểm có tháng kiếm được gần 60 triệu đồng chỉ bằng cách làm tài xế công nghệ cho mỗi ứng dụng Grab.

"Từ ngày xuất hiện ứng dụng đã bước tạo đột phá ngay cả với tài xế và khách hàng, tôi thấy mình tự làm chủ công việc và không bị phụ thuộc vào ai. Bản thân tôi cũng gọi Grab mỗi khi đi nhậu cho an toàn", Long nói.

Còn ông Ngô Văn Út nhớ mãi cảm giác e ngại khi ban đầu tiếp xúc với một nhân viên của Grab cách đây 4 năm. "Công ty sẽ bỏ tiền ra cho mình chứ không phải người đi xe, vậy thì họ sẽ lỗ, ai mà làm chuyện ngược đời như vậy", ông kể.

Nhưng đến lần gặp thứ hai, ông quyết định thử vì cũng không mất gì. Mỗi tháng ông nhận 70.000 đồng tiền 3G điện thoại hàng tháng, mỗi 40 km được hỗ trợ một lít xăng và 20.000 đồng tiền cơm trưa mỗi ngày, tiền thưởng tăng dần cho số cuốc chạy GrabBike. Chạy xe ôm 20 năm, ông Út chưa bao giờ có thu nhập ổn định như thế.

Hồi trước bữa đói bữa no, có khi nguyên ngày chẳng kiếm được đồng bạc nào, còn giờ thu nhập ổn định, chỉ cần chịu khó thì mỗi ngày 500.000 đồng là trong tầm tay.
ông hồ hởi khoe

Người đàn ông phân tích, chỉ cần trên xe có xăng mà không cần trong túi có tiền, ông vẫn có thể ra đường và kiếm ngay vài chục nghìn cho một bữa ăn với ứng dụng gọi xe. Chạy thêm một cuốc là có tiền bỏ túi và nếu chịu khó tới chiều là có thể nuôi được gia đình.

Khoác trên người chiếc áo của Grab, ông Út tự tin chạy xe mà không phải lo chèo kéo bắt khách, nài nỉ người khác đi xe, có khi phải giành giật đến đánh nhau với những xe ôm khác. Còn bây giờ, ông thấy mình nhã nhặn hơn, không còn khó chịu nếu lỡ có bị khách la mắng hay mặc cả giá.

"Nếu là trước đây có khi tôi dừng lại chửi liền còn giờ vì hình ảnh công ty mà nhẫn nhịn", ông nói.

Ở tuổi 70, ông Út vẫn tự tin đón nhận làn sóng công nghệ của xã hội hiện đại, thao tác nhanh gọn, thuần thục trên smartphone, thường xuyên mở ứng dụng để cập nhật các thông tin. Công ty có bảo hiểm cho cả tài xế và hành khách nên ông Út yên tâm trong công việc cũng như tương lai của mình.

Theo thống kê từ Grab, tính đến tháng 9/2018, hãng có 175.000 đối tác tài xế. Tỷ lệ người sử dụng dịch vụ khá cao, cứ 10 người Việt thì có hai người đang sử dụng các dịch vụ của Grab.

Trương Sanh
Ảnh: Quỳnh Trần, Tuấn Nhu