Ngày 3/8, chia sẻ tại cuộc họp với UBND TP HCM, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP HCM (FFA) Lý Kim Chi cho biết, vẫn còn nhiều doanh nghiệp gặp khó trong vận chuyển hàng hoá.
Theo quy định của TP HCM, từ 18h đến 6h sáng hôm sau, người dân bị hạn chế ra đường nhưng các phương tiện chở hàng hóa thiết yếu được phép lưu thông.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp giao hàng thiết yếu như thịt, trứng... cho biết thực tế vẫn xảy ra các tình huống bị làm khó. Ví dụ, tại chốt kiểm dịch đường M1 từ khu công nghiệp Tân Bình ra quốc lộ, xe không qua được dù có mã QR và báo với chốt là "chở hàng thiết yếu".
Một trường hợp khác là xe chở hàng thiết yếu đã giao nhận và có giấy tờ xác nhận cũng không thể qua chốt vì trên xe không có hàng, buộc tài xế phải ngủ lại trên xe.
Tương tự, ông Nguyễn Đăng Phú, Phó tổng giám đốc Vissan cũng cho biết, khi thành phố thực hiện Chỉ thị 16+, xe tải có nhận diện của Vissan di chuyển được nhưng xe của các đơn vị tư nhân khác lại gặp khó khăn. Giấy tờ Vissan đăng ký cho các xe chở hàng này có nơi cho qua, nơi lại không.
"Đặc thù của công ty hoạt động vào ban đêm, tức là heo giết mổ xong khoảng 1-2h sáng phải vận chuyển ra điểm bán. Tại điểm bán mới pha lóc thịt để 5-6h sáng có hàng bán nên buộc phải đi khung giờ trên", ông Phú giải thích.
Bên cạnh khó khăn trong việc lưu thông, nhiều doanh nghiệp sản xuất trứng, bánh mỳ còn gặp nhiều trở ngại khác khi TP HCM áp dụng Chỉ thị 16+.
Như doanh nghiệp trứng, họ gặp khó trong việc khống chế thời gian giao nhận, nhiều siêu thị chỉ nhận hàng đến 15h trong khi doanh nghiệp chỉ có 8 tiếng làm việc nên giao không kịp và tồn đọng hàng.
Còn các cơ sở sản xuất bánh mỳ, vẫn còn tình trạng, các địa phương bắt đóng cửa vì cho rằng đó không phải là thực phẩm thiết yếu.
Trước các thực trạng trên, Chủ tịch FFA kiến nghị, thành phố cần cụ thể các quy định của trung ương và chỉ đạo quyết liệt các địa phương thực hiện phòng chống dịch theo đúng chỉ đạo, nhằm tránh tình trạng mỗi nơi mỗi kiểu, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Và trường hợp phát hiện vi phạm, theo FFA, cần xử lý mạnh để răn đe.
Tiếp thu các phản hồi, Phó chủ tịch UBND TP HCM Phan Thị Thắng cho biết, những vướng mắc tại các chốt kiểm soát là do lực lượng trực làm việc chủ yếu là nhân viên tăng cường, tùy theo nhận thức mà cách hiểu, cách làm có giới hạn và UBND thành phố sẽ tiếp tục chấn chỉnh.
Ngoài ra, bà Phan Thị Thắng yêu cầu FFA thông tin lại cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất biết thành phố không có văn bản nào cấm các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất bánh mì, bún, đậu hũ... hoạt động khi thực hiện giãn cách xã hội.
Các mặt hàng này là hàng lương thực, thực phẩm nên được phép hoạt động, sản xuất, lưu thông. "Nếu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã bảo đảm đủ điều kiện mà chính quyền địa phương vẫn không cho hoạt động thì hãy báo lên UBND TP, tôi sẽ xử lý", Phó chủ tịch UBND TP HCM nói.
Thi Hà