Chuyến xe này xuất phát lúc hơn 12h ngày 19/2 với hành trình hơn 17 km. Đeo khẩu trang vải, cầm vài tờ tiền lẻ xếp vé, Hoàng Tiến Trung, nhân viên thu vé cho hay "tình trạng vắng khách đã diễn ra từ sau Tết nguyên đán và sụt giảm hẳn kể từ đầu tháng 2 khi báo chí đưa tin ở Việt Nam có người nhiễm nCoV".
Theo anh Trung, thông thường vào giờ trưa, học sinh, sinh viên đi xe buýt tuyến này khá đông, trung bình gần 20 khách mỗi chuyến. Tuy nhiên thời gian gần đây mỗi chuyến chỉ có 8 - 10 người, có chuyến suốt cả hành trình chỉ chở 3 khách.
Xe buýt tuyến Mỹ Đình - Mai Động (số 26) sức chứa 60 người, chạy xuyên các tuyến đường ở trung tâm thành phố cũng chỉ đông vào giờ cao điểm buổi sáng, từ 7h đến 9h. Ngoài 9h, xe này chạy tần suất 5 phút mỗi chuyến và thường xuyên vắng khách, nhiều lượt chạy chỉ vài khách.
"Do ảnh hưởng của dịch corona nên khách đi vắng hẳn, ban ngày trung bình chưa đến 10 khách một chuyến, còn từ chiều tối trở đi có chuyến chỉ một khách", tài xế trung tuổi của xe buýt số 26 nói.
Chị Nguyễn Thị Phương ở Cầu Giấy, thường xuyên đi tuyến buýt 26 từ Mỹ Đình đến Mai Động cho biết, "hơn hai tuần trước, khi mới công bố dịch tôi không dám lên xe buýt vì sợ chỗ đông người, gần đây có nhiều ca khỏi bệnh và Hà Nội không phát hiện người nào bị nhiễm nCoV nên mới dám đi trở lại".
Với xe buýt nhanh (BRT), giờ cao điểm buổi sáng theo hướng vào trung tâm thành phố xe vẫn kín khách, tuy nhiên chiều ngược lại trung bình mỗi chuyến chỉ được hơn chục khách.
Đại diện Tổng công ty vận tải Hà Nội (Transerco), đơn vị vận hành hơn 60 tuyến buýt thông tin, số lượng khách sụt giảm trung bình khoảng 40% so với cùng kỳ năm trước, lý do chủ yếu là học sinh, sinh viên nghỉ học dài ngày cộng với các hoạt động văn hóa, lễ hội bị tạm dừng hoặc hạn chế.
Trước tình trạng trên, Transerco cho biết vẫn duy trì tần suất hoạt động của các tuyến và lộ trình để tránh xáo trộn khi dịch được đẩy lùi, sinh viên, học sinh đi học trở lại.