Ông Dũng nói: "Nhiều người dân không nắm được thông tin về những tuyến xe buýt mẫu thì làm sao họ biết mà sử dụng. Mà nếu như thế thì việc thành phố phải bỏ ra hàng chục tỷ đồng để bù lỗ cho xe buýt liệu có mang lại hiệu quả?". Ông yêu cầu phải nhanh chóng dựng 50 panô, in và dán biểu đồ luồng tuyến xe ở những trung tâm công cộng và phát xuống từng khu dân cư; tăng lượng thông tin tuyên truyền trên báo chí.
Thời gian qua, xe buýt mẫu không nhận được sự hỗ trợ tích cực của lực lượng chức năng. "UBND thành phố Hà Nội có văn bản giao cụ thể việc đảm bảo lưu thông xe buýt cho ngành công an đảm trách, Sở GTVT có nhiệm vụ phối hợp. Cách làm này cho hiệu quả cao. Còn ở TP HCM thì ngành công an chỉ là đơn vị phối hợp nên xe buýt mẫu vẫn thường xuyên bị kẹt", ông Lê Trung Tính, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng nhận định.
Phương án bán vé tháng được xây dựng từ trước khi triển khai xe buýt mẫu đợt 1, nhưng đến nay, đã hơn 5 tháng, vẫn chưa được Sở Tài chính Vật giá thông qua chính thức để trình UBND thành phố xét duyệt. Sự quá chậm chạp trong việc xây dựng trạm dừng, nhà chờ cũng gây bức xúc cho đơn vị vận tải. Hết tháng 6, vẫn còn khoảng 50% số trạm dừng, nhà chờ trên 13 tuyến xe buýt mẫu đợt 2 được xây dựng xong. Đó là những nguyên nhân chủ quan khiến xe buýt mẫu đợt 2 không hút khách.
(Theo Thanh Niên)