Ông Phùng Đăng Hải, Tổng giám đốc Liên hiệp hợp tác xã vận tải TP HCM - đơn vị đầu tư xe buýt 2 tầng, cho biết, để loại xe buýt quá khổ này được hoạt động, đơn vị đang chuẩn bị báo cáo các thông số kỹ thuật, khảo sát và đánh giá mức độ đáp ứng của đường, cùng các công trình trên đường. Đây là cơ sở để Sở Giao thông công chính TP HCM báo cáo, đề xuất với Bộ Giao thông vận tải cấp phép hoạt động.
Dự kiến, đến khoảng giữa tháng 10 tới, loại xe buýt 2 tầng sẽ chính thức hoạt động trên tuyến đường Lê Hồng Phong - Thủ Đức (dài 28 km). Cũng theo ông Hải, trước tiên, đơn vị sẽ đầu tư 2 xe buýt có sức chứa 120 người (đứng và ngồi) bằng cách nhập máy, khung gầm xe của nước ngoài, sau đó đóng thùng xe tại Việt Nam. Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng giao thông sẽ được giao công việc lắp ráp.
Theo Sở Giao thông công chính TP HCM, việc đưa xe buýt 2 tầng vào hoạt động sẽ giải quyết tình trạng ùn ứ khách và ùn ứ xe trên tuyến đường. Đây là tuyến xe buýt được ngân sách TP HCM trợ giá nên hành khách chỉ trả 2.000 đồng/người khi sử dụng.
Theo Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP HCM, hạn chế về điều kiện đường sá lại là trở ngại lớn. Cụ thể như khu vực cầu Văn Thánh - một vị trí nằm trên tuyến đường Lê Hồng Phong - Thủ Đức sẽ không phù hợp với loại xe này vì mặt đường vào cầu bị lún. Có nhiều chỗ bị lồi, lõm.
Để xe buýt 2 tầng hoạt động tốt, đơn vị này đã đề nghị phải cải tạo đoạn đường này.
Tuấn Dũng