Theo khoản 7 Điều 25 Thông tư 58/2020/TT-BCA ngày 16/6/2020 của Bộ Công an quy định về quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thì biển số nền màu trắng, số màu đen, có sêri ký hiệu "NG" màu đỏ cấp cho xe của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và nhân viên nước ngoài mang chứng minh thư ngoại giao của cơ quan đó.
Riêng biển số xe của Đại sứ và Tổng Lãnh sự có thứ tự đăng ký là số 01 và thêm gạch màu đỏ đè ngang lên giữa các chữ số chỉ quốc tịch và thứ tự đăng ký (biển số 1 được cấp lại khi đăng ký cho xe mới).
Đối người điều kiển xe mang biển NG gây tai nạn thì tùy từng đối tượng, từng trường hợp khác nhau sẽ bị xử lý khác nhau. Theo quy định tại khoản 1a, 1b Mục I Thông tư liên bộ 01-TTLN ngày 08/9/1988 của Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn việc điều tra, xử lý các vụ vi phạm luật lệ giao thông đường bộ do người, phương tiện giao thông nước ngoài gây ra như sau:
a) Những người có thân phận ngoại giao (có hộ chiếu ngoại giao) làm việc tại các cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự, các cơ quan đại diện nước ngoài khác tại Việt Nam và các thành viên gia đình họ cùng sống chung với họ tại Việt Nam, những người có thân phận ngoại giao của các đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ, Quốc hôi, Nhà nước đến thăm nước ta, những người khác có thân phận ngoại giao, kể cả đại diện các tổ chức quốc tế và thành viên gia đình họ sống chung tại Việt Nam và không có Quốc tịch Việt Nam được Nhà nước ta cho hưởng các quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao được hưởng quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được miễn trừ xét xử về hình sự, dân sự và xử lý hành chính với các vụ vi phạm luật lệ giao thông đường bộ do họ gây ra.
Tuy nhiên họ phải tôn trọng luật lệ của Nhà nước ta, kể cả luật lệ về giao thông đường bộ, phải có trách nhiệm đền bù vật chất với các vụ tai nạn giao thông gây ra.
Có nghĩa, người lái xe thì dù thực hiện công việc hay ngoài phạm vi công việc khi gây tai nạn giao thông đều không bị xử lý hành chính, hình sự, bất khả xâm phạm về thân thể mà chỉ phải bồi thường về vật chất nếu gây tai nạn giao thông.
b) Nhân viên hành chính - kỹ thuật, nhân viên phục vụ của các cơ quan đại diện nước ngoài và các cơ quan nước ngoài khác (đã nêu ở điểm a nói trên) và thành viên gia đình họ không có quốc tịch Việt Nam, cùng sống với họ tại Việt Nam, các thành viên không có thân phận ngoại giao của các đoàn đại biểu chỉ được miễn trừ xét xử về hình sự, dân sự và xử lý hành chính đối với các vụ vi phạm luật lệ giao thông đường bộ do họ gây ra tại Việt Nam trong khi thi hành công vụ, nhưng không được miễn trừ xét xử về dân sự và xử lý về hành chính khi không thi hành công vụ, phải có trách nhiệm đền bù vật chất đối với các vụ tai nạn giao thông do họ gây ra.
Như vậy những người này khi lái xe mà gây tai nạn thì chỉ được miễn trừ trách nhiệm, không bị xử lý hành chính, hình sự khi thực hiện công việc mà nước họ giao phó. Trường hợp gây tai nạn ngoài phạm vi công việc thì có thể bị xử lý hành chính và bồi thường vật chất nếu gây tai nạn giao thông.
Khi có một vụ tai nạn giao thông liên quan đến người, phương tiện giao thông đường bộ của nước ngoài thì công an cấp quận huyện nơi xảy ra vi phạm chịu trách nhiệm tiến hành các bước điều tra ban đầu như tổ chức bảo vệ hiện trường, cấp cứu người bị nạn, kiểm tra bằng lái xe, chụp ảnh, vẽ sơ đồ hiện trường, lập biên bản khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai nhân chứng và báo cáo ngay về Công an tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương để chỉ đạo điều tra giải quyết tiếp.
Việc tiến hành điều tra theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam. Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm kiểm sát việc điều tra của cơ quan Công an; cơ quan ngoại vụ ở cấp tỉnh, thành có trách nhiệm phối hợp giải quyết về mặt đối ngoại.
Luật sư Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội