Le Mans 24h là cuộc đua lâu đời nhất trên thế giới, diễn ra tại Pháp lần đầu tiên năm 1923. Trong lịch sử gần 100 năm, cú tai nạn năm 1999 của tay đua Peter Dumbreck để lại nhiều bài học cho thế hệ sau này. Chiếc Mercedes CLR đang chạy đội nhiên bay lên không trung, quay nhiều vòng trước khi hạ cánh trong rừng. Điều này cũng từng xảy ra với người đồng đội là tay đua Mark Webber trong vòng loại. Tai nạn của Mark Webber diễn ra ngay trước Mulsanne Corner, góc cua tay áo khó nhất trên đường đua Le Mans 24h.
Một năm trước đó, tại lễ khai trương Petit Le Mans ở Mỹ, tay đua Yannick Dalmas cũng gặp tai nạn tương tự khi cầm lái chiếc Porsche 911 GT1. Xe bất ngờ bay lên không trung sau khi qua một phần đường nhô lên, lộn vài vòng trước khi đáp xuống đất. Điều tương tự xảy ra với Bill Auberlin khi cầm lái chiếc BMW V12 LMR hai năm sau đó.
Tại sao tất cả những chiếc xe này lại gặp sự cố gần như giống hệt nhau trong cùng một khoảng thời gian? Như Mike Fernie từng giải trích trên Drivetribe, điều này xảy ra do thiết kế khí động học của những mẫu xe đua.
Thông thường, một chiếc xe đua có góc tới âm. Trong đó phần cản trước được thiết kế thấp hơn phần thân xe, tạo ra diện tích áp sát mặt đường lớn hơn. Điều này giúp tăng lực nén xuống mặt đường, gia tăng tốc độ khi xe vào cua.
Tất cả những chiếc 911 GT1, CLR và V12 LMR đều được thiết kế dành riêng cho giải đua Le Mans 24h. Nhưng như thế vẫn chưa đủ, việc giành chiến thắng tại đây phụ thuộc vào việc vượt qua góc cua Mulsanne khó nhất. Sau đó là khả năng tăng tốc để đạt tốc độ tối đa tốt nhất trên đoạn thẳng dài tới 5,8 km.
Porsche, Mercedes và BMW thường thiết kế cho những chiếc xe đua của họ có góc tới trung tính. Việc này giúp giảm diện tích sát mặt đường của phần cản trước, qua đó tốc độ của xe khi tăng tốc sẽ nhanh chóng đạt được cực đại.
Tuy nhiên, vấn đề chỉ xảy ra khi xe đi qua những phần đường hơi nhô cao khiến góc tới lớn hơn. Lúc này, luồng gió đi vào phía dưới xe lớn hơn, vô tình tạo thành lực nâng xe lên. Theo Fernie giải thích, khi góc tới của chiếc Mercedes đạt 2,4 độ, tất cả lực nén xuống biến mất và chiếc xe sẽ bay lên không trung.
Sau vụ tai nạn của Dumbreck năm 1999, Mercedes đã rút hai chiếc xe còn lại khỏi cuộc đua. Đến nay, hãng xe nước Đức vẫn chưa quay trở lại thi đấu tại Le Mans 24h. Để ngăn chặn những tai nạn tiếp theo, Liên đoàn Ôtô Quốc tế (FIA) yêu cầu tất cả các mẫu xe đua phải có khe thoát gió hai bên chắn bùn hốc bánh xe. Việc này sẽ giúp giảm thiểu sự tích tụ không khí ở trên trục bánh trước, hạ thấp khả năng xảy ra tai nạn. Phần cản trước nhô ra cũng phải làm ngắn lại. Chiếc CLR có cản trước kéo dài làm tăng thêm mức độ nghiêm trọng của tác dụng phụ khi góc tới lớn. Kèm theo đó, đoạn đường nhô cao ở vị trí Indianapolis tại Le Mans 24h cũng được làm phẳng.
Kể từ đó, không ai còn bị thương nặng trong bất kỳ vụ tai nạn nào nữa. Lịch sử giải đua này cũng không ghi nhận một vụ tai nạn tương tự nào xảy ra sau đó. Đây thực sự là một điểm đáng chú ý có phần kỳ lạ trong một kỷ nguyên hấp dẫn của đua xe thể thao, đặc biệt là giải Le Mans 24h.
Anh Vũ