Cụ thể, theo dự thảo, thành phố có 3.000 xe thu gom rác, thì 70% sẽ được chuyển sang xe thùng loại 660 lít, 25% đổi thành tải nhẹ loại 550-750 kg, còn lại chuyển qua xe ép 2,5 tấn.
Tổng kinh phí chuyển đổi phương tiện loại này là 164 tỷ đồng. Chủ xe sẽ được hỗ trợ kinh phí không lãi suất, trả dần trong 2-3 năm .
Chủ xe tự chế sẽ được hỗ trợ và chuyển đổi phương tiện trong thời gian tới. Ảnh: Kiên Cường |
Tiếp theo, 16.000 xe tự chế các loại khác (trong đó có hơn 3.000 không đăng ký biển số), cũng được hỗ trợ chuyển thành xe khác.
Ví dụ, xe đăng ký biển số nhưng không có chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, sẽ được chuyển sang tải nhẹ dưới 1.000 kg. Chủ phương tiện được hỗ trợ đào tạo nghề với mức tối đa 3 triệu đồng một người cho khóa trung hạn và 250.000 đồng một người khóa ngắn hạn.
Theo Sở Lao động thương binh và xã hội, thành phố nên dùng nguồn quỹ riêng 250 tỷ đồng để hỗ trợ cho vay đối với chủ các phương tiện tự chế. Hạn mức tối đa 20 triệu đồng một hộ, lãi suất 0,65% một tháng.
Riêng lao động nghèo, Sở đề xuất hỗ trợ 7 triệu đồng một xe; đồng thời còn được vay của Quỹ xóa đói giảm nghèo thành phố với mức kịch trần lên đến 50 triệu đồng một hộ, lãi suất chỉ 0,5% mỗi tháng.
Xe 3, 4 bánh cho người khuyết tật; xe lăn, lắc không cần phải kiểm định. Xe tự cải tạo phải đăng ký, đăng kiểm, lấy giấy phép lái xe trước thời hạn 30/12.
Ban xây dựng đề án chuyển đổi cũng kiến nghị nên khoanh vùng hoạt động cho các xe 3, 4 bánh tự chế có biển số, có đăng ký chứ không nên cho hoạt động tràn lan như hiện nay. Dự kiến Sở Giao thông công chính sẽ nghiên cứu những tuyến đường cấm trong thời gian tới.
Kiên Cường