Tôi nhớ đến trung tâm dạy nghề này, chiều qua, khi biên tập viên của Góc nhìn gọi điện: “Linh, trên địa bàn tỉnh có dự án đầu tư công nào đang bị treo không?”. Tôi lấy xe phóng ngay xuống Sơn Tịnh. Trung tâm dạy nghề ở đó là một “kiểu mẫu”, nhưng không phải là kiểu mẫu về đào tạo, mà là trong lãng phí đầu tư công.
Ở đó tôi gặp ông Tâm. "Vui chứ, nhiều người vui vì có tiền bồi thường, còn tui thì vui vì đời con cháu mình có cái chỗ đi học cho gần", ông Tâm nhớ lại nỗi khấp khởi ngày dự án khởi công, tháng 8/2013. Chính ông là người giúp đơn vị bồi thường cắm cọc đánh dấu từng ngôi mộ để làm thống kê hỗ trợ, và trả lại 3 sào ruộng mình đang thuê trồng mì.
Công trình có tổng vốn gần 38 tỷ đồng, trong đó có gần 34 tỷ là vốn Chương trình mục tiêu quốc gia và 4 tỷ đồng từ ngân sách địa phương. Trong văn bản xin đề nghị đầu tư trung tâm dạy nghề này, UBND Quảng Ngãi cho rằng trung tâm sẽ “góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động vùng nông thôn, là điểm nhấn về cơ sở hạ tầng của địa phương”.
Ông Tâm không hiểu những chuyện vĩ mô như vậy, nhưng ông nhìn thấy cơ hội trước mắt là mở quán nước để bán cho công nhân. Mường tượng viễn cảnh trường sẽ có sinh viên, ông chi hẳn 25 triệu đồng, số tiền khá lớn với nhà nông vào thời điểm ấy để mua tôn, xi măng, sắt thép dựng quán trước nhà.
Thế nhưng, chỉ hơn nửa năm sau đó, nhóm công nhân và thợ nề đã bỏ đi, còn công trình thì dang dở. Nhà chức trách giải thích sau đó rằng sau khi rót về 10,3 tỷ đồng để đầu tư, thì nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề bị "khóa sổ", nên chủ đầu tư không tìm ra được nguồn vốn thay thế. Năm 2014, những bức tường bắt đầu lên mùi ẩm mốc, bên trong trở thành nơi chứa rơm cho bò.
Năm 2018, khung cảnh vẫn là đàn bò đang gặm cỏ trong tường bao. Ông Tâm nghỉ bán nước từ lâu. Không còn đất để trồng mì, ông đi làm thợ nề để kiếm thêm thu nhập, phụ vào sào ruộng và mấy con trâu. Mới đây, ông dỡ mái tôn của quán nước trước nhà làm chuồng.
Lục lại văn bản đề nghị Bộ LĐTBXH đề nghị đầu tư trường nghề hồi đầu 2012, tôi thấy lãnh đạo tỉnh trình bày rằng Quảng Ngãi có 32 cơ sở dạy nghề lớn nhỏ, từ sơ cấp đến cao đẳng nhưng “chưa đáp ứng được nhu cầu học nghề và cung ứng lao động chất lượng cao cho kinh tế của tỉnh”.
Trung tâm dạy nghề Sơn Tịnh dường như là một “kiểu mẫu” cho thực trạng đầu tư dàn trải đang nóng trên nghị trường. "Không có quốc gia nào mỗi tỉnh, thành phố có một dự án như Việt Nam", một đại biểu quốc hội thốt lên trong buổi họp sáng ngày 29/10. Thực trạng ấy không chỉ ở cấp độ tỉnh thành mà còn thể hiện ở cấp Bộ, Ngành. Và ở từng tỉnh, thành, sự dàn trải dẫn đến kém hiệu quả trong đầu tư công cũng là thực trạng phổ biến.
Chủ nghĩa bình quân sẽ tạo ra thêm nhiều dự án ở nhiều địa phương bất chấp nhu cầu thực tế và khả năng tài chính. Thiếu vốn, giải ngân chậm và dự án treo trở thành phổ biến vì sự cào bằng nơi nơi. Không chỉ có nhà hát mới có nguy cơ lãng phí, mà trường học cũng có thể bị bỏ hoang, chợ có thể quạnh hiu và trung tâm y tế cũng có thể thành nơi cỏ mọc. Không cái gì chắc chắn là thiết yếu và thiết thực, nếu không được ký duyệt và lên dự toán bởi những bộ óc tỉnh táo.
Một đại biểu quốc hội cho rằng cần có “tiêu chí xếp hạng ưu tiên”, để xét lĩnh vực nào cần được ưu tiên, dự án nào được ưu tiên. Nhưng trong các tình huống cụ thể, nếu có tiêu chí ưu tiên thì chắc là một trung tâm dạy nghề - thuộc lĩnh vực giáo dục - cũng sẽ “lọt lưới”. Câu chuyện cuối cùng, thật ra phải là trách nhiệm của người phê duyệt từng dự án.
Những cái chuồng bò giá hàng chục tỷ đồng, những dự án treo làm khổ người dân, báo chí lác đác nhắc tới, rồi dân sẽ quên, thậm chí là đại biểu dân cử khi bỏ phiếu tín nhiệm cũng có thể quên. Khi mà đầu tư công luôn là một nhiệm vụ chủ đạo của nhà nước, tôi nghĩ đến một “chỉ số hiệu quả đầu tư công” - như cái cách chỉ số năng lực cạnh tranh PCI đang vận hành. Mỗi địa phương sẽ phải có một chỉ số hiệu quả, được đo bằng tiến độ công trình, bằng tỷ lệ đối tượng thụ hưởng so với dự tính,... và nó sẽ gắn với sinh mệnh chính trị của các vị phụ trách.
Cái quán nước 25 triệu đồng của ông nông dân, một khi "lãng phí" thì còn có cách để tận dụng. Nhưng 10 tỷ đã chi ra để xây chỗ nuôi bò ở Sơn Tịnh thì khó lòng vãn hồi.
Phạm Linh