7 người chết cháy trong ngôi nhà trên đường Nguyễn Trãi, TP HCM, rạng sáng 17/9, một phần do nhà thiếu lối thoát hiểm. Các kiến trúc sư nhìn nhận rằng ở góc độ thiết kế xây nhà, nhiều gia đình lâu nay không chú trọng hoặc ít có điều kiện chú ý đến bố trí lối thoát hiểm, nhất là vùng thành thị.
Trên thực tế, nhà phố có diện tích nhỏ, đa số chủ nhà ưu tiên cho diện tích sử dụng hơn đầu tư phương án thoát hiểm. Ông Dương Trọng sống trong một căn nhà phố ở quận Phú Nhuận, TP HCM, nói rằng gia đình ông đang "chen nhau sống trong một cái hộp, muốn đầu tư lối thoát hiểm nhưng lực bất tòng tâm vì diện tích nhà quá nhỏ".
Ngoài ra, ông Trọng cho rằng nỗi lo trộm cắp lộng hành khiến cửa nhà phải khóa năm bảy lớp, xây bít ban công bằng khung sắt, chủ nhà không dám làm cửa hậu hay lối trổ lên mái. Thế nên khi xảy ra cháy thì rất dễ bị ngạt, và không có đường thoát. Chạy ra ban công thường là nơi nhiều khói, nguy cơ thiệt mạng thường rất cao. "Tâm lý ai chẳng muốn không gian sống được thông thoáng nhưng vấn đề an ninh và diện tích đất đô thị hạn hẹp luôn khiến chủ nhà dè dặt trong thiết kế", ông chủ gia đình này chia sẻ.
Ý kiến này của ông Trọng được nhiều kiến trúc sư chia sẻ. Kiến trúc sư Nguyễn Văn Châu cho rằng ở đô thị thiết kế nhà thường kín không lối thoát hiểm, các phòng thiếu không gian riêng và lối đi bố trí không gọn gàng. Đây là nhược điểm khiến gia đình khó thoát thân khi có hỏa hoạn. Do đó nếu bố trí phòng ốc hợp lý, lối đi thông thoáng thì độ an toàn sẽ cao hơn đáng kể.
Còn kiến trúc sư Phạm Thanh Truyền thì nhận xét, theo quy định, trừ nhà có diện tích xây dựng nhỏ nên bản vẽ cấp phép cho xây với mật độ tối đa 100%, còn lại phải chừa thông thoáng để lấy ánh sáng trời trong sinh hoạt vừa dùng thoát hiểm. Song trên thực tế, nhiều chủ nhà xây vượt mật độ quy định để tăng diện tích sử dụng, mất luôn cả lối thoát hiểm khi cần thiết.
Với thực tế nhà đất đô thị chật hẹp, các kiến trúc sư cho rằng có thể áp dụng một số giải pháp thoát hiểm mà vẫn đảm bảo an ninh an toàn khi xây nhà. Theo kiến trúc sư Truyền, ngay từ khâu thiết kế cần tuân thủ đúng các quy định về phòng cháy chữa cháy. Cụ thể, mỗi phòng cần có ít nhất 2 lối thoát, lối thoát xa nhất không quá 25 m, tùy theo từng quy mô công trình nhà phố hay chung cư. Gia đình cần trang bị thiết bị thoát hiểm như dao cắt kính hoặc búa nếu lối thoát hiểm được làm bằng cửa kính; cửa mở đúng tiêu chuẩn, chốt mở an toàn cho khung lưới thép bảo vệ...
Theo ông Châu, khi xảy ra hỏa hoạn, các lớp cửa và khóa ở cửa chính thường bị biến dạng do nhiệt nên bắt buộc nhà phải có một lối thoát khác. Hiện nay đa số cửa chính thường có 2 lớp gồm cửa sắt xếp và cửa sắt pano kính. Kiểu thiết kế này dễ trở thành con dao hai lưỡi. Nếu chốt khóa phức tạp, khó mở, khi xảy ra sự cố, những lớp cửa này quay ngược lại “khóa” chủ nhân bên trong đám cháy. Những nhà nếu không có ban công, sân thượng thì khung bảo vệ cửa sổ nên gắn bản lề (có khóa) để mở khi cần thiết.
Phương án trang bị ô lưới bảo vệ an toàn cho nhà phố được các kiến trúc sư lựa chọn. Theo kiến trúc sư Thanh Truyền, trang bị ô lưới bảo vệ an toàn có chốt mở nhanh có thể đáp ứng cả 2 yêu cầu: Bảo vệ và thoát hiểm. Với nhà phố hiện nay, vì vấn đề thẩm mỹ và an ninh nên nhiều mặt tiền xây bít bùng, không có lối thoát hiểm. Do đó lối thoát ra ban công mặt tiền là lựa chọn tốt nhất.
Với kinh nghiệm của mình, kiến trúc sư Truyền cho rằng thông thường nhà nào cũng có tầng mái để bồn nước nên đều thiết kế thang cố định lên thăm mái. Đây là lối thoát hiểm hữu hiệu sang nhà hàng xóm khi có sự cố.
Một điều quan trọng nữa là chủ nhà nên luôn kiểm tra các trang thiết bị cứu hỏa và lối thoát hiểm nhà, chủ động đối phó khi có hỏa hoạn xảy ra. Theo các kiến trúc sư, giải pháp trang bị camera báo cháy khá hay, hiện đại nhưng thường làm cho chủ nhà rơi vào thế bị động khi có tình huống xảy ra. Đặc biệt, tâm lý chủ quan khi trong nhà có các vật dụng báo cháy khiến chủ nhà không quá đề cao cảnh giác, dễ dẫn đến xử lý chậm. Do đó, các quy định khi thiết kế nhà với phương án thoát hiểm an toàn phòng trường hợp cháy nổ vẫn rất cần thiết.
Lê Phương - Khánh Ly