Nghiên cứu bắt đầu với một loại vi khuẩn đất được tái sinh trong hỗn hợp ure và các chất dinh dưỡng khác ở nhiệt độ không đổi, khoảng 30 độ C. Trong hỗn hợp này, vi khuẩn bắt đầu sinh sôi và phát triển. Sau thời gian lên men, hỗn hợp được trộn với cát, chất thải xi măng công nghiệp và vỏ trấu.
Theo Piero Tiano, một nhà nghiên cứu của Viện Bảo tồn Di sản Văn hóa Italy, ngành công nghiệp sản xuất xi măng thải ra khoảng 5% lượng khí carbon toàn cầu. Với dự án trên, nhóm nghiên cứu hy vọng có thể chứng minh đây là loại vật liệu mới, thân thiện với môi trường hơn.
"Các nguyên liệu thô của chúng tôi về cơ bản đều là những thứ đã bỏ đi. Vì vậy nó sẽ không tốn kém chi phí. Chúng ta không cần phải khai thác và vận chuyển đá vôi, vốn được sử dụng để làm xi măng, nhờ đó cũng sẽ tiết kiệm được nguồn năng lượng ", Euro News dẫn lời Laura Sánchez Alonso, một thành viên tham gia dự án, cho hay.
Sản xuất xi măng thông thường cần nhiệt độ cao từ 1.400-15.000 độ C, đồng nghĩa yêu cầu tiêu tốn năng lượng. Trong khi đó, sản xuất xi măng từ vi khuẩn chỉ đòi hỏi lượng nhiệt thấp hơn nhiều lần.
Nhóm chuyên gia nhận định thử nghiệm ban đầu chứng minh kết quả đầy hứa hẹn. Họ hy vọng loại vật liệu mới này có thể ứng dụng thực tế trong các công trình xây dựng ở châu Âu trong vòng 10 năm tới.
Linh Anh (Video: Euro News)