Con không chịu ngồi im đọc sách, con không hào hứng với việc đọc, con muốn chơi thay vì đọc sách... là những vấn đề ba mẹ thường gặp khi đồng hành cùng con trong quá trình hình thành thói quen đọc sách, nhất lại là sách tiếng Anh.
Thực tế, hình thành thói quen đọc sách mang lại nhiều lợi ích trong việc phát triển trí tuệ và tính cách con trẻ. Theo nghiên cứu của trường Melbourne - top 2 trường đại học danh tiếng Australia, nếu con được đọc sách từ 3-5 ngày một tuần khả năng phát triển ngôn ngữ, nhận thức và kỹ năng đọc sẽ tăng 12,5% so với độ tuổi thật và tỷ lệ này sẽ tăng lên thành 25% nếu tần suất là 6-7 ngày một tuần. Bên cạnh đó, trẻ có thói quen đọc sách thường đạt điểm cao hơn trong các kỳ thi quốc gia khi chúng lớn lên.
Lối tư duy logic của con sẽ được đặt nền móng phát triển sớm thông qua mỗi câu chuyện trong sách. Nhờ sách con hình thành tư duy nguyên nhân - kết quả, tư duy trừu tượng hay phân biệt ứng xử đúng sai. Đồng thời vốn từ khổng lồ cũng như cấu trúc giao tiếp con học được qua mỗi quyển sách tiếng Anh giúp con tự tin hơn.
Chị Nguyễn Thị Hoa - Cố vấn Chuyên môn Ms Hoa Giao Tiếp đưa ra lời khuyên về những việc bố mẹ cần làm khi đọc sách tiếng Anh cùng con, với ba giai đoạn đồng hành chính:
Giai đoạn 1: Trước khi đọc sách
Ba mẹ cho bé tư duy trước với bìa sách, đặt những câu hỏi đơn giản giúp con suy đoán về sự vật, con vật hay những tình huống có thể xảy ra trong quyển sách. Điều này giúp khơi gợi tính tò mò của con, từ đó tạo thêm hứng thú cho con để bắt đầu đọc cuốn sách.
Giai đoạn 2: Trong khi đọc sách
Quá trình này cần diễn ra theo trình tự sau: Ba mẹ giúp con nhấn mạnh vào các từ khoá hoặc từ mới trong truyện giúp con hằn kiến thức trong não bộ. Tiếp theo, con cần được bố mẹ tạo điều kiện lặp lại các từ tiếng Anh 2-3 lần rồi đặt những từ vựng này vào câu theo ngữ cảnh để con ghi nhớ, từ đó trau dồi vốn từ vựng và giúp con ghi nhớ lâu hơn.
Giai đoạn 3: Sau khi đọc sách
Việc bỏ qua bước này sẽ là một sai lầm bởi sau khi đọc xong, con cần một lần nhắc lại để tổng kết, giúp con hoạt động não bộ, nói ra những kiến thức đã tiếp thu được sau quá trình đọc sách.
Ms Hoa cũng chia sẻ về cách chọn sách phù hợp cho trẻ theo từng độ tuổi. Trẻ dưới 2 tuổi dễ bị thu hút bởi các bức tranh có màu sắc rực rỡ về đồ vật đơn giản. Vậy nên những cuốn sách tiếng Anh về màu sắc, hình thù sẽ phù hợp cho bé như: Bộ sách I can, The wonderful things you will be, What are stars?, Dear zoo...
Trẻ từ 2-4 tuổi: Những câu chuyện ngắn về đồ vật, con vật quen thuộc trong cuộc sống như The Ugly Duckling (Chú vịt xấu xí), The Fox and The Grapes (Con cáo và chùm nho)... có các từ khóa lặp đi lặp lại giúp trẻ ghi nhớ và phát triển kỹ năng đọc.
Trẻ từ 5-8 tuổi: Những cuốn sách có cốt truyện thú vị hay lộ trình phát triển nhân vật rõ ràng như Jack and the beanstalk, Sleeping beauty, The wizard of Oz... là lựa chọn đúng đắn cho giai đoạn này, bởi trẻ đã có thể nhận thức và có sự tò mò nhất định về thế giới xung quanh.
Trẻ từ 9 tuổi: Thay vì ba mẹ chọn giúp bé, hãy đưa con đến hiệu sách và chọn lựa sách theo chủ đề con tò mò, thích thú.
Thảo Linh