Singapore từ lâu là một trong những thị trường vốn dẫn đầu trong khu vực châu Á, là điểm nóng trên bản đồ trung tâm tài chính thế giới. Năm 2016, Singpore đứng thứ hai bảng xếp hạng các thành phố có môi trường kinh doanh tài chính tốt nhất toàn cầu, sau London. Mới đây, vào tháng 5/2018, trong cuộc đua thị trường chứng khoán hiệu quả nhất châu Á, quốc gia này cũng vượt lên đứng đầu với chỉ số Straits Times Index.
Tầm nhìn chiến lược từ Chính phủ
Từ thập niên 1990, Singapore đã đặt mục tiêu trở thành trung tâm tài chính của châu Á - Thái Bình Dương. Tham vọng này được Thủ tướng Singapore tuyên bố trong kế hoạch phát triển và xây dựng tầm nhìn quốc gia, nêu rõ sứ mệnh đưa đảo quốc sư tử trở thành trung tâm dịch vụ tài chính toàn diện. Nhiệm vụ phát triển thị trường tài chính, trong đó có thị trường vốn gắn chặt với các mục tiêu vĩ mô dài hạn như việc làm và tăng trưởng GDP, được coi là động lực của nền kinh tế.
Với nhiều nỗ lực, Singapore trở thành một trong 4 trung tâm tài chính thế giới, thị trường ngoại hối đứng thứ 4 thế giới chỉ sau London, New York và Tokyo, vượt qua cả Hong Kong. Theo dự đoán của tập đoàn tư vấn Boston, đến năm 2020, Singapore sẽ trở thành trung tâm tài chính lớn thứ hai trên thế giới.
Nâng cao vai trò của các bên hữu quan
Ngay từ những bước đi đầu tiên, chính phủ Singapore đã chú trọng thiết lập các hội đồng khu vực tư nhân, chuyên thu thập thông tin thị trường theo giai đoạn, như năm 1997 nhằm định hướng, năm 1998 hướng tới hỗ trợ các chủ thể quan trọng. Các hội đồng này tỏ ra hiệu quả khi có những ý tưởng mang tính cải cách, thực hiện cho kết quả tích cực. Đơn cử như đề xuất thiết lập hệ thống mở về quản lý và điều hành, giúp tăng vai trò tham gia của các nhà đầu tư định chế, hay tăng cường tính bảo mật của Ngân hàng Trung ương (MAS), thu hút cố vấn từ các tổ chức tài chính quốc tế.
Tập đoàn thẩm định tài chính (FSRG) thuộc Chính phủ được thành lập năm 1997 để giám sát những cải tiến trong ngành. Co quan này cũng tích cực thiết lập các cuộc họp với các nhà tư vấn nước ngoài để hỏi về hướng dẫn và lời khuyên.
Thị trường tài chính giai đoạn này chứng kiến nhiều sự chuyển đổi như sáp nhập các ngân hàng UOB và OUB , DBS và POSB, tạo nên những định chế lớn trong ngành. Quá trình chuyển đổi cùng với thị trường vốn nội địa ổn định đã đưa Singapore ngày một gần hơn với vị trí đầu bảng trong lĩnh vực tài chính của khu vực. Nhiều động thái cũng được Chính phủ nước này thực hiện nhằm thu hút khu vực tư, bao gồm miễn thuế, mở rộng cơ hội kinh doanh, ủy thác cho vay từ quỹ đầu tư quốc gia...
Xây dựng và củng cố thể chế quản lý
Tập đoàn thẩm định tài chính (FSRG), điều hành bởi Phó Thủ tướng được thành lập với mục đích giám sát diễn biến thị trường vốn - tài chính tại Singpapore. Ngân hàng Trung ương nước này cũng được Chính phủ hậu thuẫn, làm việc với nước khác nhằm phục vụ cho mục tiêu quốc gia.
Cấu trúc quyền sở hữu của Ngân hàng Trung ương bao gồm nhiều cơ quan nhỏ thực hiện chức năng theo dõi, đánh giá ở từng lĩnh vực khác nhau như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, nhân lực...
Điều chỉnh linh hoạt
Sự can thiệp của chính phủ với các thay đổi linh hoạt được xem như xúc tác cho diễn biến cung và cầu trong thị trường vốn. Các sàn giao dịch được sáp nhập và cổ phần hóa, chuyển đổi sang dạng thức tổ chức thương mại. Cơ quan chứng khoán The Singapore Government Securities - SGS cũng được nâng cấp, tăng tính thanh khoản. Chính sách đầu tư của quỹ dự phòng trung ương (Central Provident Fund - CPF) ngày càng đa dạng hóa quyền lựa chọn, từ đó thúc đẩy quỹ nội địa, hấp dẫn nhiều công ty ngoại đến đầu tư.
Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực dài hạn
Nhân lực tham gia quản lý và vận hành là một trong những động lực thúc đẩy thị trường vốn. Mặc dù không tác động trực tiếp, nhưng những chính sách về nhân tài tại Singapore được cho là đóng góp đáng kể tới thị trường tài chính của quốc gia này, được Chính phủ tập trung củng cố theo từng giai đoạn.
Mục tiêu ngắn hạn được quốc gia này vạch rõ là thu hút nhân tài. Năm 1997, tổ chức nhân lực quốc tế thuộc Bộ nhân lực Singpore khởi chạy chương trình ''Kết nối với Singapore'' (Contact Singapore) nhằm kéo nguồn lực con người từ các quốc gia khác đổ về. Cùng giai đoạn, hội đồng tuyển dụng nhân lực (Singapore Talent Recruitment- STAR) ra đời năm 1998, cùng chính sách nhà ở cho lao động nước ngoài ''Scheme for the Housing of Foreign Talent'', cung cấp nơi cư trú cho những đối tượng quốc tế tới đây làm việc.
Về trung hạn, Singapore tập trung lĩnh vực đào tạo và tái đào tạo. Quỹ phát triển khu vực tài chính (The Financial Sector Development Fund - FSDF) chi cho hoạt động đào tạo nhân sự tại các tổ chức tài chính. Ngân hàng trung ương MAS còn khuyến khích các đơn vị tiến hành nghiên cứu, đồng thời thiết lập các viện chính sách về tài chính.
Mục tiêu dài hạn của Singapore tập trung vào tái thiết hệ thống giáo dục bậc đại học và đào tạo nghề. Hàng loạt các đề xuất về củng cố quản lý tài chính tại Singpore được áp dụng trong chương trình học. Nhiều trường đại học tại đây triển khai các khóa đào tạo, giải quyết nhu cầu việc làm tăng lên của lĩnh vực tài chính, điển hình như đại học quốc gia Singapore và đại học công nghệ Nanyaung tiên phong chương trình đào tạo sau đại học, cấp bằng kỹ sư tài chính. Ngoài ra, nhiều trường quốc tế danh tiếng như INSEAD hay đại học Chicago được khuyến khích thành lập cơ sở tại Singapore.
Đầu tư cho các hoạt động quảng bá
Thông thường, marketing hiếm khi được xem là hoạt động then chốt của các cơ quan quản lý. Thế nhưng ở Singapore, một cơ quan chuyên về hoạt động quảng bá với tên gọi Ủy ban phát triển thị trường tài chính được thành lập trực thuộc Ngân hàng trung ương, chuyên tổ chức các chương trình roadshow và chiến dịch truyền thông để nâng cao mức độ nhận biết về thị trường vốn nước này.
Những thực trạng và giải pháp để tái cấu trúc thị trường vốn-tài chính của Việt Nam sẽ được thảo luận trong chuyên đề thứ hai thuộc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018 (Vietnam Economic Forum – ViEF) khai mạc sáng 21/8 tại Hà Nội. Diễn đàn là nơi các nhà quản lý, giới chuyên gia và doanh nghiệp cùng nhau phân tích toàn cảnh thị trường vốn và tài chính tại Việt Nam, đồng thời đưa ra những phương án, đề xuất giải pháp xây dựng thị trường vốn cho đầu tư dài hạn. Chương trình do VnExpress phối hợp cùng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân của chính phủ tổ chức. Theo dõi chương trình và đăng ký tham dự tại: https://vief.vnexpress.net/ |
Phạm Vân