-
16h50
'Giao thông thông minh là thách thức lớn'
Giao thông vẫn luôn là một trong những vấn đề được chính phủ thế giới quan tâm. Việc xử lý phân luồng hiệu quả, thông minh đòi hỏi những bài toán cụ thể, thiết thực. Bàn về vấn đề này, ông Phùng Việt Thắng - Giám đốc Kinh doanh Khối khách hàng Chính phủ và Doanh nghiệp Microsoft Việt Nam cho biết giải pháp giao thông thông minh gặp khó bởi điều kiện địa hình, khả năng tiếp cận, triển khai, giám sát công nghệ trong lĩnh vực này có sự khác biệt.
"Đây là thách thức chung trên toàn thế giới và cần có bài toán phù hợp. Chúng ta cần tìm ra sáng kiến để chinh phục thách thức này trong tương lai gần. Quan trọng nhất là phải trở nên thông minh hơn để giải 'phép tính' thiếu đồng bộ để làm giao thông trên thế giới tốt hơn trong tương lai", ông Thắng nhận định.
Theo đó, ông Thắng cho rằng cần áp dụng công nghệ phù hợp, thu thập thêm dữ liệu để có những giải pháp, quyết định thông minh hơn trong tương lai. Ngoài ra cũng cần những bài học để rút kinh nghiệm, từ đó xây dựng hệ thống giao thông thông minh, hiệu quả hơn.
"Những bài học này có thể đến từ mỗi công dân. Họ là người trực tiếp tham gia giao thông và hoàn toàn có thể chia sẻ trải nghiệm để các tổ chức, doanh nghiệp tiếp nhận, phân tích, từ đó có những sáng kiến phù hợp, khắc phục những vấn đề cụ thể", ông Thắng đúc kết.
-
16h45
'Bảo vệ an toàn thông tin, dữ liệu cá nhân là ưu tiên hàng đầu'
Trong gần một giờ ba diễn giả trò chuyện cùng host Vĩnh Phú, ban tổ chức nhận được hàng trăm câu hỏi trên đa nền tảng. Đa số khán giả thắc mắc về yếu tố quy hoạch thông minh, bảo vệ an toàn thông tin cá nhân trong thời đại số lên ngôi. Ông Dương Công Đức - Giám đốc Trung tâm Đô thị thông minh Viettel Solutions - cho biết câu hỏi của khán giả cũng là băn khoăn, mong muốn của bất kỳ doanh nghiệp công nghệ nào khi sáng tạo công nghệ hay lên ý tưởng đề xuất xây dựng smart city.
Ông Đức lý giải khi xây dựng smart city, yếu tố quy hoạch thông minh luôn được đặt lên hàng đầu, có vai trò quan trọng trong việc điều tiết giao thông, giảm ùn tắc, tai nạn lẫn kẹt xe... Các hệ thống trên môi trường số đều hướng đến phục vụ con người, điển hình là định danh số - mỗi công dân có một mã định danh và yêu cần tiên quyết là phải xây những biện pháp đảm bảo an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân.
-
16h44
Giao thông thông minh là quá trình của chuyển đổi số
Một trong những khán giả quan tâm đến mô hình giao thông thông minh đưa ra câu hỏi về hệ thống giao thông công cộng: "Làm cách nào để giải quyết và nâng cấp toàn bộ cơ sở hạ tầng, rút ngắn thời gian và chi phí khi triển khai hạ tầng giao thông?".
Sau khi nhận được câu hỏi, ông Đức đánh giá cao về tầm nhìn và sự quan tâm của khán giả. Ông cho rằng, việc thực hiên giao thông thông minh là cả quá trình của chuyển đổi số và có rất nhiều việc cần làm, trong đó phải sẵn sàng về hạ tầng, tài lực, nguồn lực...
"Vì thế chũng ta cần những đóng góp của doanh nghiệp trong việc triển khai và chúng ta hiện nay đang đi trên con đường này", ông nhấn mạnh.
-
16h42
'Lao động đơn thuần sẽ bị thay thế khi smart city phát triển'
Một trong những vấn đề được xã hội và phần lớn công dân quan tâm, nhất là nhóm người lao động, là liệu khi smart city phát triển có làm mất đi việc làm của người lao động trong xã hội. Theo Tiến sĩ Đỗ Nguyên Hưng - Phó Tổng giám đốc khối dự án Schneider Electric Việt Nam, xét về mặt logic, sự ra đời của smart city phải giải quyết các vấn đề xã hội là tạo ra việc làm cho công dân thay vì xóa bỏ.
"Một khi thành hình, smart city sẽ giúp thu hút các doanh nghiệp startup, nhân lực cấp cao, những ý tưởng, sáng kiến công nghệ... Tuy nhiên, sự phát triển này cũng có ảnh hưởng nhất định lên các lĩnh vực lao động thô. Theo xu thế, những đầu việc này sẽ dần bị thay thế bằng công nghệ, máy móc trong tương lai", Tiến sĩ Hưng nhận định.
Ông Phùng Việt Thắng - Giám đốc Kinh doanh - Khối khách hàng Chính phủ và Doanh nghiệp Microsoft Việt Nam cũng có góc nhìn tương tự về vấn đề này. Ông Thắng cho rằng các công việc gián tiếp sắp tới đều sẽ được thay đổi, rút ngắn bằng công nghệ số hóa. Những khoản việc này nếu không mất đi cũng sẽ dần dần bị xóa bỏ. Ông Thắng cho rằng có thể đánh đổi GDP cấp thấp để lấy những giá trị và GDP cấp cao hơn. Đây là cái "được" thay vì mất đi do quá trình số hóa.
-
16h40
Công nghệ không có ranh giới
Tiếp nối là một câu hỏi khiến các chuyên gia khá hứng thú: "Thông minh có cần phải dựa trên công nghệ? Việt Nam đang có những thuận lợi và thách thức nào trong vấn đề ứng dụng công nghệ để hỗ trợ xây dựng smart city hay là phải mượn từ nước ngoài?".
Ông Phùng Việt Thắng - Giám đốc Kinh doanh Khối khách hàng Chính phủ và Doanh nghiệp Microsoft Việt Nam nhận vai trò trả lời, nói: đây đúng là câu phù hợp với tôi (cười). Vấn đề đặt ra: công nghệ là của nhân loại. Có thể ban đầu nó do một tổ chức sáng tạo ra. Nhưng quá trình biến sản phẩm thành thương mại hóa, tồn tại bền vững, giá trị thực tế hay không là thuộc sự chấp chận con người. Con người ở đây không phải nhóm 1-2 người mà là toàn cầu.
"Nghĩa là ở đây không có ranh giới nước ngoài hay trong nước mà ranh giới: người tận dụng hay không tận dụng được công nghệ", ông Thắng nói.
Tiếp lời ông Thắng, ông Dương Công Đức thể hiện sự đồng tình: công nghệ là sản phẩm của nhân loại. Công nghệ tạo ra sản phẩm nhưng trong thời đại nay nó chỉ chiếm 30%. Tiếp đến, quá trình tạo ra sản phẩm chiếm đến 30% giá trị. Cuối cùng, 40% nằm ở việc người dùng hoàn thiện sản phẩm, sử dụng dữ liệu, giúp nó thông minh hơn.
"Công nghệ chỉ đóng một phần nhưng nó không phải phần chính. Vậy khái niệm làm chủ công nghệ, công nghệ của Việt Nam hay thế giới không có ranh giới. Chúng ta chỉ cần xây dựng và giải bài toán của địa phương bằng công nghệ", ông Đức khẳng định.
-
16h35
'Nên thí điểm smart city ở quy mô nhỏ, rồi mới triển khai rộng khắp'
Cuộc trò chuyện, tương tác của các khách mời thu hút khán giả. Nhiều quan điểm được đưa ra cùng loạt câu hỏi từ người tham dự được giải đáp.
Các diễn giả nhận định có nhiều rào cản khi xây dựng thành phố thông minh, chủ yếu là tính chất phức tạp, rủi ro và chi phí lớn. Do đó, các chuyên gia, cơ quan chức năng khá thận trọng, đề nghị nên bắt đầu bằng thử nghiệm ở những khu "thành phố thông minh thu nhỏ", trước khi triển khai trên toàn thành phố.
Ông Dương Công Đức - Giám đốc Trung tâm Đô thị thông minh Viettel Solutions - ủng hộ việc triển khai, thử nghiệm mô hình ở quy mô nhỏ, sau đó mới áp dụng rộng khắp. Trước đó, ông nhiều lần khẳng định đội ngũ Viettel là người đầu tiên dùng thử các ứng dụng, sản phẩm, đồng thời là hạt nhân lan tỏa, tuyên truyền tới người dân.
"Dùng thử, thử nghiệm là yếu tố cần thiết góp phần hoàn thiện sản phẩm trước khi triển khai rộng rãi", ông nói và nhận định với các sáng tạo công nghệ, người dùng cần hiểu nó mới dùng thử hiệu quả. Bộ Thông tin truyền thông cũng ủng hộ thí điểm mô hình đô thị thông minh ở phường, xã, sau đó triển khai khai rộng hơn ở quy mô một thành phố.
-
16h30
Mô hình thành phố thông minh hoàn toàn (Full Smart City) cần tập trung lĩnh vực nóng nhưng phải làm đồng bộ
Về tính khả thi của mô hình này, MC đưa ra vấn đền về việc chỉ nên chọn một vài lĩnh vực nóng và có thể làm được, chẳng hạn như giao thông, du lịch, y tế, môi trường... để tập trung phát triển hay làm tất cả mọi thứ hướng đến Full Smart City để tạo sự đồng bộ ngay từ đầu.
Được đặt vấn đề về tính khả thi của Full Smart City, ông Thắng đánh giá đây là câu hỏi vừa lý thuyết vừa thực tiễn bởi cả hai cách tiếp cận đều có những thách thức và thuận lợi khác nhau và cả hai cách cần thực hiện song song.
Bên cạnh đó chúng ta cần quan tâm chuẩn công nghiệp, cần tôn trọng nhiều nguyên tắc tiêu chuẩn công nghiệp ngay từ bước thiết kế như thiết kế, các con số, khâu tính toán...
-
16h26
'Cần chú trọng xây dựng hạ tầng thông minh'
Trước câu hỏi "tầm quan trọng của việc phát triển hạ tầng công nghệ thông minh" từ MC, ông Đỗ Nguyên Hưng - Phó tổng giám đốc khối Dự án Schneider Electric Việt Nam - nhắc lại "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2021. Trong đó ưu tiên chuyển đổi số trước 8 lĩnh vực gồm: y tế, giáo dục, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải - logistics, năng lượng, tài nguyên - môi trường và sản xuất công nghiệp. Ông cũng nói đến ảnh hưởng, tác động của Covid-19 đến mọi ngành nghề, lĩnh vực, do đó, smart city là xu hướng tương lai.
"Với thành phố thông minh, mục đích cuối cùng là phát triển bền vững qua ba trụ cột gồm: tăng trưởng kinh tế; chính quyền điều hành thành phố hiệu quả với chi phí thấp; đem lại môi trường sống tốt cho cư dân. Do vậy, xây dựng hạ tầng thông minh đáp ứng cả ba yếu tố trên rất quan trọng, cần đặc biệt chú trọng giai đoạn quy hoạch, thiết kế", ông Hưng nhấn mạnh.
-
16h25
Triển khai smart city cần quy chuẩn nhưng phải linh hoạt
Các lãnh đạo doanh nghiệp cùng ngồi trên ghế cao, thoải mái trò chuyện về bài toán triển khai thành phố thông minh. Mở đầu, MC đặt câu hỏi: smart city ở Việt Nam hiện đang phát triển theo hướng rất nhiều nhà tư vấn, rất nhiều thông tin công nghệ đến làm việc với các địa phương để xây dựng đề án. Và thực trạng là mỗi đề án theo một hướng. Lý do của vấn đề này là gì, đề xuất của các diễn giả trong việc xây dựng chính sách?
Nhận được câu hỏi, ông Dương Công Đức - Giám đốc Trung tâm Đô thị thông minh Viettel Solutions nhận xét: "Đây là câu hỏi mà tôi nhận được nhiều từ lãnh đạo địa phương cũng đồng nghiệp". Ông nêu nhận định, mỗi đơn vị có kinh nghiệm, thế mạnh khác nhau. Các ứng dụng cũng đa dạng, phụ thuộc đặc trưng từng đơn vị, lĩnh vực. Đáp ứng nó cần tính tùy biến.
Tuy nhiên cần đối diện bài toán: sự đa dạng có hạn chế sự kết nối, ngăn cản các hệ thống "nói chuyện" với nhau? Vì vậy, điều bắt buộc là phải có tính thống nhất - tức một quy chuẩn về dữ liệu, giao tiếp. Còn phần tùy biến, đa dạng tùy thuộc sự sẵn sàng về hạ tầng, con người, nhu cầu...
"Trong tùy biến có thống nhất. Trong thống nhất có linh hoạt. Đây là điều hiển nhiên để không cản trở sự tiếp nhận của các đơn vị. Nghĩa là địa phương cần căn cứ chỉ đạo từ Bộ Thông tin và Truyền thông, đơn vị chủ quản như Bộ Xây dựng, các cơ quan chuyên ngành để thống nhất cấu trúc, từ đó tiếp nhận tư vấn phù hợp", ông Đức nhấn mạnh.
-
16h20
Các ông lớn công nghệ đối thoại về thách thức khi phát triển smart city
Theo tổ chức cạnh tranh toàn cầu IDM, chỉ số xếp hạng thành phố thông minh sẽ là tiêu chí quan trọng để thu hút đầu tư và nguồn nhân lực chất lượng cao. Các chuyên gia về kinh tế và công nghệ đánh giá Việt Nam có rất nhiều động lực trong việc phát triển đô thị thông minh trong tương lai. Tuy nhiên, đi kèm với thuận lợi, cùng còn nhiều thách thức mà chúng ta cần phải đối mặt và vượt qua.
Để làm rõ những rào cản và hiến kế giải pháp vượt qua, đại diện các doanh nghiệp có phần đối thoại trực tiếp xoay quanh chủ đề: "Những thách thức khi phát triển smart city tại Việt Nam". Tham gia thảo luận có ông Phùng Việt Thắng - Giám đốc Kinh doanh Khối khách hàng Chính phủ và Doanh nghiệp Microsoft Việt Nam; ông Dương Công Đức - Giám đốc Trung tâm Đô thị thông minh Viettel Solutions và ông Đỗ Nguyên Hưng - Phó tổng giám đốc khối Dự án - Schneider Electric Việt Nam.