Yêu cầu trên được đưa ra trong chỉ thị ngày 3/9 của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc đẩy mạnh giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục đào tạo, ứng phó với Covid-19.
Ngày 3/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính ban hành chỉ thị về việc đẩy mạnh các giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục đào tạo, ứng phó với Covid-19.
Dự báo Covid-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các địa phương triển khai kế hoạch năm học linh hoạt, tạo thuận lợi cho học sinh, sinh viên học tập để vừa đảm bảo sức khỏe, vừa hoàn thành chương trình giáo dục, bảo đảm chất lượng giáo dục. Những nơi an toàn trong phòng chống dịch vẫn khai giảng bình thường như mọi năm.
Như đã chia sẻ ở hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 hôm 28/8, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế hướng dẫn biện pháp phòng chống dịch cho học sinh, sinh viên và bảo đảm an toàn trong nhà trường, đồng thời xây dựng phương án cụ thể về tiêm vaccine cho học sinh dưới 18 tuổi.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với Bộ Y tế, UBND cấp tỉnh tổ chức tiêm chủng cho học sinh các cấp sau khi cơ quan chuyên môn có hướng dẫn tiêm vaccine Covid-19 cho người dưới 18 tuổi. Đồng thời, Bộ cần rà soát, gửi Bộ Y tế cấp bổ sung và tiêm vaccine cho tất cả giáo viên.
Hiện, nhiều quốc gia như Pháp, Israel, Italy hay Hà Lan đã tiêm chủng cho trẻ từ 12 tuổi trở lên nhằm đảm bảo an toàn trong năm học mới, trước diễn biến phức tạp của dịch. Trung Quốc và UAE đã phê duyệt sử dụng vaccine Covid-19 cho trẻ từ 3 đến 17 tuổi.
Song song với việc tiêm vaccine, Thủ tướng đề nghị UBND cấp tỉnh tăng cường nhiều biện pháp phòng chống Covid-19. Địa phương không có dịch chủ động phương án cho học sinh tựu trường và thường xuyên sàng lọc, tầm soát nhằm phát hiện kịp thời các trường hợp mắc Covid-19.
Địa phương đang có dịch và thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 15 và 16 trước mắt dạy học trực tuyến, trong đó ưu tiên nguồn lực hỗ trợ học sinh khó khăn không có phương tiện học tập, bảo đảm công bằng trong tiếp cận phương thức dạy và học mới.
Bên cạnh việc đảm bảo an toàn phòng chống dịch, Thủ tướng đưa ra một số nhiệm vụ Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tập trung làm ngay như sớm công bố phương án thi tốt nghiệp THPT 2022 phù hợp với tình hình dịch bệnh phức tạp và các năm tiếp theo để giáo viên và học sinh có thời gian chuẩn bị.
Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo thiết kế chương trình học bảo đảm tăng cường kiến thức, kỹ năng sống; giảm tình trạng dạy thêm học thêm, tránh dư luận không tốt liên quan đến sách giáo khoa và đảm bảo không để học sinh nào thiếu sách học.
Nhằm giải quyết bài toán thừa - thiếu giáo viên đang được quan tâm trước thềm năm học mới, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo có chính sách khuyến khích học sinh giỏi vào ngành sư phạm, nghiên cứu đề xuất ưu tiên cho giáo viên vùng khó khăn. Bộ cũng cần có giải pháp tổng thể trong đào tạo - tuyển dụng - sử dụng nguồn nhân lực sao cho đào tạo gắn với nhu cầu tuyển dụng xã hội, chống bệnh thành tích trong giáo dục để đạt được mục tiêu "học thật, thi thật, nhân tài thật", thu hút nhân tài, "học đi đôi với hành", nhanh chóng khắc phục tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ".
>>Xem toàn văn chỉ thị của Thủ tướng