Ngày 29/8, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao về triển khai đường lối đối ngoại Đại hội lần thứ 13 của Đảng và phát triển ngành Ngoại giao.
Ông cho biết rất vui khi được làm việc với lãnh đạo chủ chốt Bộ Ngoại giao đúng dịp kỷ niệm 79 năm Quốc khánh 2/9 và 79 năm ngày thành lập ngành Ngoại giao. Sau 40 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã đạt được nhiều thành tựu, hội nhập sâu rộng và đóng góp tích cực với cộng đồng quốc tế. Việc Nam đã có quan hệ ngoại giao với 193 nước; là thành viên tích cực, có trách nhiệm của Liên Hợp Quốc.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng có được những thành tựu này là nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng; đoàn kết thống nhất của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; là minh chứng sinh động khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn, phù hợp của Đảng, trong đó có đóng góp quan trọng của công tác đối ngoại mà Bộ Ngoại giao làm nòng cốt.
Người đứng đầu Đảng, Nhà nước, cho rằng Ngoại giao đã phát huy vai trò tiên phong trong tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Đối ngoại là phần kéo dài của chính sách đối nội, chủ động góp phần thúc đẩy và không ngừng củng cố "thế và lực", mở ra cục diện phát triển mới cho đất nước.
Ông khẳng định với thế và lực sau 40 năm đổi mới đất nước, Việt Nam đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Vì vậy, ông đề nghị Bộ Ngoại giao tiên phong phát hiện cơ hội, thách thức, tăng cường đóng góp tích cực trong thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Cán bộ ngoại giao cần nắm vững đặc điểm và xu thế của thời đại, những mâu thuẫn cơ bản, chiều hướng diễn biến của thời cuộc để dự báo chính xác thời cơ cách mạng; tạo ra, nắm bắt và tận dụng thời cơ; giảm thiểu tác động tiêu cực; đưa đất nước "đi tắt đón đầu" và không ngừng gia tăng, củng cố tiềm lực.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mong muốn Bộ Ngoại giao chủ động mở rộng đóng góp của Việt Nam cho sự nghiệp cách mạng thế giới, cho hòa bình, hợp tác, phát triển và tiến bộ của nhân loại. Trong thời đại mới, ngoại giao phải góp phần thúc đẩy sự tham gia, đóng góp của đất nước vào sự phân công lao động quốc tế, phát triển kinh tế toàn cầu và duy trì hòa bình, ổn định.
"Cần lan tỏa mạnh mẽ phiên bản Việt Nam độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác, hữu nghị, phát triển, phồn vinh, hạnh phúc và tạo nguồn cảm hứng, khơi dậy khát vọng phát triển phồn vinh, hạnh phúc trên toàn thế giới", ông nói.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đề nghị Bộ Ngoại giao xây dựng, củng cố vai trò tiên phong của ngoại giao thời đại mới, ngoại giao trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Mục tiêu cao nhất của ngoại giao thời đại mới là "bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc; vì Đảng vững mạnh; vì nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, có vị trí, vai trò quan trọng trong nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu và nền văn minh nhân loại; vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân".
Yêu cầu đối với ngoại giao thời đại mới là tương xứng với tầm vóc văn hóa, lịch sử, vị thế chính trị và kinh tế của đất nước, với những đóng góp của dân tộc cho sự nghiệp chung của nhân dân thế giới.
Nguyên tắc cơ bản của ngoại giao thời đại mới là kiên định sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và chủ nghĩa xã hội; kiên định độc lập, tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, đa phương hóa, đa dạng hóa, vì hòa bình, hợp tác và phát triển, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; phát huy mạnh mẽ nội lực.
Phương thức thực hiện ngoại giao thời đại mới là kết hợp đa tầng sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại, với những phương thức mới; kết hợp chặt chẽ ba trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, gắn kết chặt chẽ ngoại giao với lòng dân; thực hiện ngoại giao song phương và đa phương. Ngành ngoại giao cần nắm vững "ngũ tri" (biết mình, biết người, biết thời thế, biết dừng và biết biến), vận dụng sáng tạo nghệ thuật ngoại giao tâm công (đánh vào lòng người) của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trọng tâm ngoại giao thời đại mới là ngoại giao kinh tế, văn hóa, môi trường, nhân quyền, thông tin; kết hợp chặt chẽ ba trụ cột ngoại giao với quốc phòng, an ninh trên nền tảng kinh tế xã hội Việt Nam.
"Phải xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao vừa hồng, vừa chuyên, ở trong nước phải là chuyên gia, là từ điển đối với lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách, khi ra nước ngoài phải là chuyên gia về Việt Nam", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói.