Ông Nguyễn Tử Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Thiết bị và Công trình Y tế ( Bộ Y tế) cho biết như vậy tại hội thảo "Áp dụng truy xuất nguồn gốc trong lĩnh vực y tế" do Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia tổ chức sáng 20/4.
Theo ông Hiếu, hiện việc quản lý trang thiết bị y tế đang sử dụng nhiều phương thức định danh khác nhau (mã định danh duy nhất UDI, bộ danh pháp GMDN, tiêu chuẩn ISO...). Nhiều bệnh viện cũng xây dựng bộ mã định danh riêng, các nhà sản xuất, nhập khẩu thiết bị y tế cũng quản lý theo mã riêng. Vì vậy Vụ Thiết bị và Công trình y tế đang phối hợp với Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, nghiên cứu, xây dựng một bộ mã định danh thống nhất để quản lý nhà nước và quản lý nội bộ, hài hòa với quy định trên thế giới và truy xuất thiết bị y tế từ quá trình sản xuất đến hết vòng đời sử dụng.
Theo đó module truy xuất nguồn gốc sẽ được xây dựng và vận hành trên Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia với một bộ mã định danh thống nhất trong toàn quốc. "Có bộ mã này sẽ giải quyết được tình trạng sản xuất, kinh doanh các mặt hàng giả, kém chất lượng hay thu mua sản phẩm đã qua sử dụng để đóng gói, tái chế thành sản phẩm mới. Mã truy xuất giúp quản lý việc sử dụng các sản phẩm nhập lậu, giả nguồn gốc xuất xứ các mặt hàng y tế được sử dụng nhiều trên thị trường hiện nay", ông Hiếu nói.
Ông Trần Văn Vinh, Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, việc xây dựng hệ thống công cụ để quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa đang được các đơn vị thuộc Tổng cục đẩy mạnh. Đây cũng là nhiệm vụ thuộc Đề án 100 về truy xuất nguồn gốc,Thủ tướng ban hành từ năm 2019. "Truy xuất nguồn gốc trang thiết bị y tế sẽ đảm bảo chất lượng sản phẩm tới tay người sử dụng và giúp các cơ quan chức năng quản lý, giám sát, xử lý, thu hồi sản phẩm khi xảy ra sự cố nhanh chóng, hiệu quả", ông Vinh nói.
Bảo Chi