-
11h50
Hội thảo kết thúc.
-
11h45
Ông Cao Đức Phát: "Nhiều từ khoá mới xuất hiện từ cuộc hội thảo"
Phát biểu kết thúc phiên hiến kế về nông nghiệp, ông Cao Đức Phát - Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương nhấn mạnh "hội thảo hôm nay về vấn đề cũ nhưng lại có nhiều điều mới".
Trong đó, các đại biểu đã nhìn nhận vấn đề liên kết chuỗi để phát triển nông nghiệp khác so với hơn 20 năm trước; không chỉ về phương diện kinh tế, kỹ thuật mà cả vấn đề xã hội, môi trường, không chỉ trong nước mà còn cả quốc tế.
"Qua hội thảo, chúng tôi thấy rằng vấn đề về liên kết chuỗi rất được quan tâm, thời gian qua có nhiều tiến bộ nhưng còn rất ngổn ngang. Bên cạnh đó là vấn đề về doanh nghiệp xã hội, số hóa, logistics... là những từ khóa mới trong cuộc hội thảo này. Ban tổ chức đã lắng nghe đầy đủ, chọn lọc các ý kiến để kiến nghị với lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; trong đó có việc hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân phát triển làm hạt nhân, đầu tàu để dẫn dắt các chuỗi giá trị nông nghiệp", ông Cao Đức Phát cho hay.
Theo ông, Ban tổ chức hội thảo cũng đã tiếp tục được rất nhiều vấn đề cụ thể, đơn cử như mâu thuẫn giữa doanh nghiệp xã hội với Luật chứng khoán; sửa đổi Luật đất đai tạo điều kiện cho tích tụ ruộng đất...
"Muốn phát triển chuỗi phải có doanh nghiệp, đây là yêu tố quan trọng đầu tiên, nhưng không chỉ có như vậy mà còn sự tham gia của nông dân, hợp tác xã... Hôm nay có nhiều ý kiến về sửa đổi Luật hợp tác xã, chúng tôi tiếp thu để đề xuất đến cơ quan có thẩm quyền", ông Phát nói.
-
11h20
"Bao bì giúp trái cây chín chậm trong 2 tháng không cần cấp đông"
Ông Đỗ Văn Huệ - Ủy viên thường trực Câu lạc bộ Nông nghiệp Công nghệ cao Việt Nam khẳng định, số hoá rất cần thiết cho tất cả các doanh nghiệp, từ khâu nguyên liệu, sản xuất, đến bán hàng (dịch vụ).
Cụ thể, số hoá vùng nguyên liệu giúp đảm bảo tính minh bạch, kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm, tích luỹ số liệu cho mùa sau; số hoá chế biến sẽ kiểm soát tự động công nghệ chế biến, chỉ khi đạt chuẩn kiểm soát thì sản phẩm mới tiêu thụ tốt trong và ngoài nước. Đồng thời, từ dữ liệu số hoá sẽ làm được sàn giao dịch về sản xuất.
"Hiện chúng tôi đã làm được bao bì giúp trái cây chín chậm trong vòng 60 ngày mà không cần cấp đông. Điều này gỡ được bài toán được mùa mất giá, đồng thời giúp doanh nghiệp biết được dữ liệu sản phẩm của mình đi tới nước nào", ông Huệ nói.
Ông cho biết thêm, sáng kiến trên đã gỡ vướng trong việc bảo quản sau chế biến. Cụ thể, bao bì đóng gói (bằng dược liệu) giúp giữ hoa quả trong ba tháng, khi gỡ túi thì 3 ngày sau quả sẽ chín. Điều kiện để triển khai được sáng kiến này là người dân phải thu hoạch trái cây vừa đủ già, ví dụ sầu riêng chu kỳ 2 tháng thì cần để đúng 2 tháng, không cắt sớm hay cắt muộn.
-
11h15
"Việt Nam cần đáp ứng sự bền vững môi trường trong phát triển nông nghiệp"
Ông Josh Madeira, Phụ trách chính sách bảo tồn biển, Chương trình Seafood Watch (SW, Mỹ) cho rằng, sự bền vững môi trường trong hoạt động kinh doanh là điều mà thế giới đang quan tâm. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam để tăng cường chất lượng sản xuất, qua đó xây dựng khả năng cạnh tranh cao hơn; xây dựng chuỗi giá trị minh bạch để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của doanh nghiệp từ đó tạo niềm tin tốt hơn với cộng đồng quốc tế.
"Doanh nghiệp xã hội và chuỗi liên kết là ý tưởng hay để tạo dựng lòng tin, tính trách nhiệm", ông Madeira nói.
-
11h12
"Vai trò dẫn dắt thị trường của các doanh nghiệp rất lớn"
Ông Trần Quốc Toản - Phó cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nói, thời gian qua Bộ này đã thực hiện nhiều chính sách để mở cửa thị trường cũng như khuyến khích tiêu thụ tại thị trường trong nước, như: Chương trình người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; đưa hàng vào các siêu thị...
Theo ông Toản, nông sản của Việt Nam đã có mặt tại hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp rất lớn. Từ tín hiệu phản hồi của thị trường, các doanh nghiệp đã hoàn thiện sản phẩm, đáp ứng những thị trường khó tính nhất, đồng thời tạo ra sản phẩm đặc thù cho từng thị trường khác nhau. Ngoài ra, các doanh nghiêp đã triển khai tốt việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc sản phẩm...
Tuy nhiên, ông Toản cũng cho rằng, vẫn còn một số doanh nghiệp chưa phát huy được vai trò của mình, chưa tạo sức hút để các thành viên đi theo tạo nên thương hiệu... Ông đề nghị các doanh nghiệp quan tâm hơn nữa tín hiệu thị trường để sản xuất các sản phẩm phù hợp với nhu cầu khách hàng.
-
11h10
"Ứng dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc sản phẩm"
Ông Đàm Bạch Dương - Vụ trưởng Vụ công nghệ cao (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, Bộ này đang cùng các đơn vị liên quan thực hiện đề án Việt số hoá nhằm cung cấp, chia sẻ cơ sở dữ liệu lớn (big data) của Việt Nam, trong đó có bao gồm cả mảng nông nghiệp. "Chúng tôi kỳ vọng các cơ quan quản lý, doanh nghiệp đóng góp dữ liệu và khai thác, sử dụng đề phục vụ tốt cho lĩnh vực này", ông nói.
Cùng đề cập đến vấn đề trên, bà Nguyễn Thị Thanh Thuỷ - Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ, môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, việc ứng dụng công nghệ số hoá trong nông nghiệp là tất yếu nhưng không đơn giản, "vì không chỉ liên quan đến chuỗi sản xuất khép kín mà là ứng dụng quản lý trong chuỗi thế nào?".
"Trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chúng tôi quan tâm đến phát triển nông nghiệp thông minh, tổ chức lại sản xuất và hình thành các liên kết theo chuỗi, trong đó có ứng dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm", bà Thuỷ nói.
-
11h10
Tập đoàn TH: "Cần doanh nghiệp đầu tàu để dẫn dắt chuỗi liên kết"
Ông Ngô Minh Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn TH cho biết, hơn 10 năm qua, Tập đoàn đã thành công trong việc đầu tư nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi bò sữa. Theo ông, chìa khoá vàng của thành công là ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi bò sữa, từ đó, tạo thương hiệu có tầm ảnh hưởng, sản phẩm đem lại niềm tin cho người tiêu dùng.
"Chúng tôi đang chuyển sang giai đoạn tiếp theo, đưa ngành chăn nuôi lên quy mô rộng hơn, cấp nông hộ để phát triển mạnh trong tương lai. Chúng tôi đã tổ chức ở Lâm Đồng công ty Đà Lạt milk với HTX bò sữa", ông Hải nói và cho biết, đây chính là mô hình liên kết chuỗi giá trị để phát triển bền vững.
Quá trình triển khai chuỗi liên kết nông hộ ở Đà Lạt, tập đoàn TH đã rút ra bài học chia sẻ lợi ích, rủi ro giữa các thành viên trong chuỗi; xây dựng quy chuẩn về sản phẩm, ký hợp đồng với nông hộ để người dân giao sản phẩm đảm bảo chất lượng. Tập đoàn đã thay đổi tư duy của người dân, xuất phát từ nông hộ quy mô nhỏ sang trang trại kiểu mẫu.
Bên cạnh đó, tập đoàn cũng đưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất - điều kiện tiên quyết thúc đẩy mô hình tăng trưởng vì nếu "sản xuất lấy công làm lãi thì không thể phát triển".
"Khi chúng tôi đưa con chip vào cổ con bò thì nhiều người hoài nghi bà con có đồng ý không. Tuy nhiên, người dân lại rất thích dù chưa biết hiệu quả như thế nào. Cũng như điện thoại thông minh, dùng nhiều sẽ nghiện, không thể bỏ được. Đây là thành công trong chuỗi liên kết", ông Hải nói.
Chủ tịch tập đoàn TH cũng cho hay, muốn phát triển chuỗi liên kết cần phải tổ chức đào tạo nâng cao nguồn nhân lực cho người nông dân; kết nối nguồn hỗ trợ về tài chính. "Chúng tôi có HTX cung cấp dịch vụ thú ý, phối giống, thức ăn cho người dân, nhưng bà con đang cần nguồn vốn hỗ trợ. Chúng tôi kết nối với ngân hàng để bà con vay được vốn để phát triển", ông Hải cho hay.
Ông đề nghị cần có doanh nghiệp đầu tàu để dẫn dắt chuỗi liên kết. Đó có thể là doanh nghiệp nắm đầu ra, hoặc nắm sản phẩm trung gian, miễn là đảm bảo điều kiện về tiềm lực tài chính, đủ sức tạo ra ảnh hưởng mạnh, hoạt động chuyên nghiệp và có thương hiệu... "Nhà nước cũng nên đặt ra những quy chuẩn đạo đức cho doanh nghiệp, quy chuẩn đạo đức doanh nhân, ví dụ như phải cống hiến, phụng sự đất nước", ông Hải kiến nghị.
-
10h15
Cà Mau xung phong "xin cơ chế riêng để phát triển nông nghiệp"
Ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho rằng để khắc phục vấn đề sản xuất manh mún nhỏ lẻ của nông nghiệp Việt Nam, "chúng ta nên quan tâm đến kiến nghị của doanh nghiệp".
Cụ thể như, làm sao để doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào hợp tác xã để góp phần cải thiện khâu quản trị trong các tổ chức này; tạo cơ chế, chính sách thông thoáng hơn cho doanh nghiệp trong tích tục ruộng đất.
"Mô hình doanh nghiệp xã hội sẽ giúp khắc phục sản xuất nhỏ lẻ. Tôi kiến nghị mô hình thí điểm chính sách, nghĩa là không chỉ thực hiện chính sách hiện hành mà là các cơ chế mới. Tất nhiên trong quá trình thực hiện sẽ có những cơ chế thất bại, nhưng chính sách nào thành công sẽ được luật hoá và giúp nhân rộng trong thực tiễn", ông Sử nói.
Trước ý kiến trên, đại diện Ban tổ chức nêu câu hỏi: "Vậy Cà Mau có sẵn sàng xung phong xin cơ chế đặc thù không?".
Ông Sử cho biết, trong tháng 2/2019 tỉnh Cà Mau tổ chức tọa đàm về liên kết chuỗi ở ngành tôm. "Chúng tôi đã chính thức đăng ký với Chính phủ, Ban tổ chức Trung ương cho phép triển khai các mô hình thí điểm và Cà Mau xin xung phong triển khai mô hình này", ông nói.
-
10h05
"Không nước nào đạt sản lượng 300.000 tấn tôm sú mỗi năm như Việt Nam"
Hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết về phát triển ngành nuôi tôm ở Việt Nam. Ông Trần Đình Luân - Phó tổng cục trưởng Tổng Cục Thuỷ sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, quyết định 79 của Thủ tướng về việc ban hành kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam, nêu kỳ vọng đến năm 2025 giá trị xuất khẩu đạt 10 tỷ USD, trong đó 8,4 tỷ USD là tôm thẻ và tôm sú.
"Nhìn lại năm 2018 ngành tôm đạt sản lượng 760.000 tấn, trong đó có gần 300.000 tấn tôm sú, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 3,6 tỷ USD - đây là sản lượng mà không nước nào đạt được", ông Luân nói.
Theo ông, ngành tôm Việt Nam có nhiều lợi thế nhưng đang gặp thách thức lớn về biến đổi khí hậu, muốn tăng diện tích nuôi tôm đòi hỏi đầu tư về khoa học kỹ thuật, trang thiết bị để đáp ứng yêu cầu. Ngoài ra, ngành sản xuất tôm còn nhỏ lẻ (chiếm 70-80% diện tích), thực trạng này dẫn đến khó khăn trong hội nhập và đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc.
"Với bối cảnh sản xuất nhỏ lẻ, liên kết kém, khó khăn về nguồn tôm bố mẹ và cơ sở hạ tầng nên giá thành sản xuất cao, sức cạnh tranh hạn chế", ông Luân nói.
Lãnh đạo Tổng cục Thuỷ sản thông tin, qua theo dõi 74 chuỗi liên kết ở ba tỉnh Ca Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng cho thấy lợi nhuận tăng, chi phí đầu tư giảm 10-30%, giá bán ra ổn định.
"Liên kết ngành là tất yếu, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp. Mong rằng thời gian tới, ngành tôm thử nghiệm chuỗi hoàn chỉnh từ vật tư đầu vào, người nghiên cứu, đến doanh nghiệp, ngân hàng... Chúng tôi cũng muốn có cơ chế bảo hiểm gắn vào chuỗi liên kết để tăng thương hiệu và khả năng cạnh tranh của tôm Việt Nam", ông nói.
-
10h00
"Kiến nghị doanh nghiệp xã hội không chịu sự chi phối của Luật chứng khoán"
Ông Lê Minh Quang - Chủ tịch công ty Minh Phú, Phó chủ tịch Hiệp hội thuỷ sản Việt Nam nêu nhận định, điểm nghẽn lớn nhất ngành tôm là sản xuất nhỏ lẻ và khi sản xuất nhỏ lẻ thì không truy suất được nguồn gốc, dẫn tới không có chứng nhận quốc tế.
"Chúng ta rất khó bán hàng với tình trạng trên. Giấy thông hành bán tôm ra thị trường quốc tế và các nước lớn là phải có chứng nhận quốc tế, mỗi thị trường có những chứng nhận quốc tế khác nhau. Người dân sản xuất nhỏ lẻ thì không thể nào có được những giấy chứng nhận đó", ông nói.
Chủ tịch công ty Minh Phú cho hay, để giải quyết bài toán liên kết chuỗi nuôi tôm, doanh nghiệp này đã nhiều năm đi tìm lời giải, "đầu tiên là mua đất, thuê đất để nuôi tôm nhưng không được, sau đó thành lập công ty cổ phần để người nông dân góp đất nuôi tôm cũng không được".
Sau nhiều năm trăn trở, Minh Phú đi đến giải pháp thành lập công ty cổ phần xã hội, là một mô hình "có thể thực hiện tốt nhất". Theo đó, tất cả những người nuôi tôm sẽ góp đất, nuôi và bán sản phẩm trên chính mảnh đất của mình; như vậy một hộ nuôi tôm coi như ao nuôi tôm của một doanh nghiệp lớn và vấn đề truy suất nguồn gốc để cấp giấy chứng nhận quốc tế đã "có lời giải".
Tuy nhiên, theo ông, doanh nghiệp xã hội lại vướng quy định của Luật chứng khoán, vì các công ty cổ phần từ 100 cổ đông trở lên, vốn điều lệ trên 10 tỷ phải hoạt động theo Luật chứng khoán. Trong khi đó, doanh nghiệp xã hôi không bắt buộc người dân đóng cổ phần mà họ tự nguyện, khi làm ăn tốt họ tham gia, khi không tốt họ ra đi. Điều chỉnh bằng Luật chứng khoán thì "mỗi lần doanh nghiệp vào, ra" lại chờ xin Uỷ ban chứng khoán Nhà nước, nhanh nhất 6 tháng đến một năm.
"Chúng tôi kiến nghị Chính phủ là các doanh nghiệp xã hội không chịu sự chi phối của Luật chứng khoán", ông Quang nhấn mạnh.
Trước sự quan tâm của đông đảo cử toạ, ông Lê Minh Quang nói thêm, "không sản phẩm nào thu hoạch nhanh bằng nuôi tôm, chỉ 2, 3 tháng đã có lợi nhuận 1 - 1, nhưng điểm nghẽn là rất khó huy động đất đê nuôi tôm, nguyên liệu cho các nhà máy chỉ đáp ứng 30 - 50 %, nhiều nhà máy phải đóng cửa do thiếu nguyên liệu. Tình trạng này đẩy giá thành lên cao gấp 2, 3 lần".
"Nếu đủ nguyên liệu, nguồn vốn thì chỉ thời gian ngắn sẽ đạt mục tiêu Chính phủ đưa ra về phát triển ngành tôm. Minh Phú là đơn vị sản xuất tôm lớn nhất thế giới, chúng tôi thấy rằng bài toán bức xúc nhất là liên kết doanh nghiệp xã hội và bảo hiểm nông nghiệp", ông Quang nói.