Chiều 28/11, trả lời ý kiến đại biểu Quốc hội về chính sách thu hút nhân tài trong dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết Viettel phải có một nghị định riêng của Chính phủ mới thu hút được nguồn lực, có được con người và có Tập đoàn Công nghiệp viễn thông quân đội như hiện nay.
"Phải có chính sách lương, thưởng, nhà ở; khen thưởng, ghi nhận, phong tặng các chức danh khoa học và có chính sách hậu phương quân đội để thu hút người tài vào làm việc", tướng Giang nói.
Ông cho biết đặc thù của ngành nghiên cứu, chế tạo vũ khí "là cực kỳ khó khăn và rủi ro". Thử nghiệm một quả bom, một quả tên lửa hoặc một loại vũ khí mới phải sẵn sàng tình huống nổ không đúng, phát nổ khi chưa rời khỏi nòng súng, bệ phóng, dù đúng quy trình.
Vũ khí, trang bị "có những thứ thử chục lần, có khi vài chục lần, thậm chí phải thay đổi cả quy trình công nghệ". Vì vậy, để thu hút nhân tài khoa học công nghệ, đặc biệt là lĩnh vực đặc thù như quân sự "đòi hỏi các chế độ, chính sách tuyển dụng, đào tạo tương ứng".
Dự thảo luật quy định cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh được hưởng chính sách đặc thù về đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, tuyển chọn và chính sách trả lương, chế độ ưu đãi người lao động. Các đơn vị này được hạch toán chi phí đãi ngộ, thu hút chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư.
Trước đó, đại biểu Khuất Việt Dũng (Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam) thống nhất xây dựng cơ chế đặc thù cho phát triển công nghiệp quốc phòng và an ninh trong dự thảo luật. Những cơ chế này tạo điều kiện cho việc nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất, tự chủ trong phát triển sản phẩm công nghiệp quốc phòng.
Dự thảo đã bổ sung cơ chế thu hút trọng dụng chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư; cơ chế giao nhiệm vụ chỉ định thầu, chỉ định nhà cung cấp trong sản xuất, mua sắm, chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng cơ chế, chính sách đặc thù cần rõ hơn, mạnh dạn hơn. "Đây là chìa khóa tạo nên đột phá cho sự phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại", ông nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Phó đoàn Bình Dương) đề nghị cơ quan soạn thảo ưu tiên chính sách thu hút, đãi ngộ đặc biệt cho đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ khoa học trình độ cao; nhóm nghiên cứu mạnh, chuyên sâu; đội ngũ kỹ sư giỏi; chuyên gia đầu ngành về công nghệ, tổ chức quản lý, sản xuất quân sự; kỹ thuật viên và thợ bậc cao về bí quyết công nghệ quốc phòng, an ninh.
Nữ đại biểu cũng kiến nghị bổ sung chính sách đào tạo, bồi dưỡng cả trong và ngoài nước cho nguồn nhân lực; đầu tư, nâng cao chất lượng các trường đại học, học viện, viện, trung tâm nghiên cứu ứng dụng về khoa học công nghệ quốc phòng, an ninh.
"Cần có cơ chế để tuyển thẳng và ưu đãi cao hơn cho học sinh giỏi từ THPT, sinh viên các trường đại học thuộc ngành nghề đào tạo kỹ thuật chuyên sâu, mũi nhọn cho công nghiệp quốc phòng, an ninh", bà Xuân đề xuất.
Dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp đang được Quốc hội cho ý kiến lần đầu, dự kiến được xem xét thông qua tại kỳ họp giữa năm 2024.