Gần đây tôi thấy rất nhiều ý kiến về việc xây dựng đặc khu kinh tế, theo tôi, việc xây dựng đặc khu là một chủ trương đúng đắn. Nước ta là một nước còn nghèo, không có đủ nguồn vốn đầu tư để phát triển tất cả các tỉnh, các vùng. Do đó cần phải tập trung nguồn vốn, xây dựng và phát triển những vùng có tiềm năng.
Việt Nam có rất nhiều vùng có tiềm năng phát triển. Trong đó, Hà Nội, Đà Nẵng hay TP HCM là ba thành phố có nhiều thế mạnh nhất và còn rất nhiều tiềm năng. Đặc biệt, ba thành phố này là trung tâm của cả nước và cũng là trung tâm của ba vùng kinh tế trọng điểm, cầu nối giữa các vùng kinh tế khác. Tuy nhiên, để chọn xây dựng thành đặc khu hiện nay thì cả ba thành phố này theo tôi đều không phù hợp.
Thứ nhất là nền kinh tế mất cân đối. Ba thành phố này đều là các thành phố lớn, có tiềm lực cũng như tiềm năng phát triển rất lớn. Cơ sở hạ tầng hoàn thiện hơn rất nhiều so với các tỉnh khác. Trình độ dân trí, trình độ khoa học kỹ thuật cũng cao hơn hẳn.
Tuy nhiên, nếu tiếp tục dồn nguồn lực phát triển các thành phố này, những nơi khác sẽ có ít vốn để phát triển, dẫn đến tình trạng mất cân đối giữa các vùng miền. Chênh lệch giàu nghèo sẽ ngày càng tăng, các vấn đề xã hội khác như phân biệt vùng miền, giàu nghèo, công bằng xã hội... cũng tăng theo.
Thứ hai, cả ba thành phố này đều là các thành phố đông dân. Nếu xây dựng ba thành phố này trở thành đặc khu, sẽ dẫn đến tình trạng di dân lớn. Người dân các nơi khác sẽ dồn về các thành phố này tìm kiếm việc làm ngày càng nhiều. Nhu cầu về nhà ở, điện nước, thực phẩm, giáo dục và các dịch vụ khác sẽ tăng. Giá cả sẽ theo đó mà tăng lên. Vấn đề ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội cũng diễn ra phức tạp hơn. Áp lực về giao thông, cơ sở hạ tầng như nhà ở, trường học và các nhu cầu khác như điện nước, hàng hóa, dịch vụ... cũng vì thế mà ngày càng nặng nề hơn.
Thứ ba, vấn đề về an ninh và quốc phòng. Vấn đề xảy ra chiến tranh hoặc thiên tai là rất ít nhưng không phải vì thế mà chúng ta không đề phòng. Nếu các thành phố này và các vùng xung quanh là trung tâm phát triển chính của đất nước mà không có các vùng khác, một khi bị thiên tai hoặc chiến tranh phá hoại, chúng ta sẽ bị tổn thất rất lớn.
Xây dựng ba đặc khu Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang) là hợp lý.
Thứ nhất ba tỉnh này nằm ở ba miền Bắc, Trung, Nam của đất nước. Việc xây dựng ba đặc khu ở ba miền sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của cả ba miền một cách đồng đều, giảm bớt sự chênh lệch giữa các vùng miền đồng thời cũng giảm bớt các chi phí đi lại của người lao động cũng như các chi phí dịch vụ logistics.
Thứ hai, các tỉnh này đều có lợi thế đặc biệt về du lịch rất phù hợp với mô hình thành phố hiện đại và phù hợp với chủ trương chính sách và xu thế phát triển ngày nay. Đó là tăng tỷ trọng kinh tế khu vực III và II, giảm tỷ trọng kinh tế khu vực I.
Mô hình thành phố hiện đại là mô hình thành phố không khói bụi, nền kinh tế chủ yếu dựa vào thương mại, dịch vụ và công nghệ khoa học hiện đại. Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc hoàn toàn đủ tiêu chuẩn.
Thứ ba, các khu này có vị trí địa lý thuận lợi. Các vùng này đều giáp biển, thuận lợi cho giao thông đường biển xuất nhập khẩu hàng hóa. Hơn nữa lại nằm ở bốn ngư trường lớn: Quảng Ninh - Hải Phòng, Hoàng Sa - Trường Sa, Ninh Thuận - Bình Thuận, Cà Mau - Kiên Giang. Xây dựng các đặc khu ở đây sẽ tạo điều kiên thuận lợi cho phát triển các ngành kinh tế biển, đồng thời, góp phần củng cố chủ quyền biển đảo quốc gia.
Thứ tư, việc xây dựng các đặc khu kinh tế ở đây sẽ góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển như xây dựng, giao thông vận tải khai thác và chế biến... tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động. Hơn nữa, ngoại trừ Phú Quốc nằm tách biệt ra thì hai khu còn lại đều nằm gần và giáp với những vùng kinh tế còn khó khăn, tiềm năng kinh tế chưa được khai thác hết như Tây Nguyên, Duyên Hải Nam Trung Bộ, Trung du và Miền núi phía Bắc. Việc xây dựng các đặc khu sẽ tạo đà kéo các vùng này phát triển theo.
Tóm lại, chủ trương xây dựng các đặc khu tại Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc là hoàn toàn phù hợp. Tất nhiên, chúng ta cần phải có những nghiên cứu, khảo sát một cách kỹ lưỡng và phải có quy hoạch rõ ràng, đánh giá được hiệu quả cụ thể. Bên cạnh đó cần phải đổi mới quản lý để việc xây dựng đặc khu đem lại hiệu quả thiết thực, lợi ích lâu dài cho đất nước.
Chia sẻ ý kiến của bạn tại đây.