- Bối cảnh nào dẫn tới quyết định đề xuất phát động chương trình Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa, xây đền tưởng niệm Gạc Ma của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam?
- Năm 2011, ngư dân Việt Nam thường xuyên bị tàu hải giám Trung Quốc xua đuổi khỏi ngư trường Hoàng Sa. Họ mất hàng trăm triệu đồng khi bị thu hết hải sản vừa đánh bắt, ngư cụ, dầu máy… và trắng tay trở về đất liền. Tổ chức công đoàn đã thực hiện chương trình Tấm lưới nghĩa tình để giúp đỡ ngư dân yên tâm bám ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa.
Ngư dân của mình hiện diện trên biển không đơn thuần là mưu sinh, mà chính là sự hiện diện cho chủ quyền biển đảo. Do đó, phía công đoàn cũng tổ chức những nghiệp đoàn nghề cá để ngư dân tương trợ nhau bám biển. Bản thân ngư dân rất vui và yên tâm vì nghĩ rằng mỗi chuyến ra khơi họ không còn lẻ loi mà được cả nước giúp đỡ.
Ông Đặng Ngọc Tùng: “Từng nhiều lần ra thăm quần đảo Trường Sa, bản thân tôi rất trân trọng những người lính đảo anh dũng, hiên ngang. Khi phát động chương trình này, tôi thấy như được góp sức cho sự đoàn kết dân tộc”. |
- Mục đích cuộc vận động xây đền tưởng niệm Gạc Ma là gì, thưa ông?
- Thân nhân 64 liệt sĩ hy sinh trên đảo Gạc Ma cách đây 26 năm rất khao khát, mong có nơi để viếng người thân của mình.
Trước hết, việc xây đền tưởng niệm này giúp gia đình liệt sĩ Gạc Ma có nơi thắp hương vào dịp 14/3, vì họ không thể ra ngoài đảo được.
Đền tưởng niệm cũng là sự ghi nhận công lao những anh hùng đã hy sinh bảo vệ đảo.
Ngoài ra, đây còn là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, bảo vệ tổ quốc cho thế hệ trẻ. Học sinh, sinh viên có thể tổ chức những buổi ngoại khóa để hiểu thêm về lịch sử đấu tranh anh dũng của các chiến sĩ bảo vệ Gạc Ma, trong chiến dịch bảo vệ Trường Sa.
- Đền tưởng niệm sẽ được xây dựng như thế nào?
- Dự kiến đền được xây ở khu vực bờ biển từ sân bay Cam Ranh về thành phố Nha Trang, Khánh Hòa. Địa thế này khá đẹp, nhìn ra biển Đông và hướng về đảo Gạc Ma. Trong đền sẽ có 64 tượng bán thân, ghi tên tuổi từng chiến sĩ và có chút hình hài để sinh động hơn.
Chúng tôi đã đặt vấn đề với Hội Kiến trúc sư TP HCM, giúp phần thiết kế. Việc thiết kế mô hình phù hợp và kêu gọi các tấm lòng hảo tâm được tiến hành song song. Công đoàn muốn xây dựng khu đền này như một công viên để nhiều người có thể ghé đến, quy mô phụ thuộc nhiều vào kinh phí quyên góp được.
- Khi nêu đề xuất này, ông nhận được những phản hồi ra sao?
- Mục đích của việc này không phải để kích động hận thù mà là nguyện vọng của nhân dân, nên người dân hưởng ứng rất nhiều. Cơ quan chức năng cũng không có ai ngăn cản.
Theo kế hoạch, việc đầu tiên là xây dựng đền tưởng niệm, kế đến là giúp đỡ những gia đình thân nhân ở Gạc Ma và tử sĩ ở quần đảo Hoàng Sa vì nghèo khó mà con cái không thể đến trường. Có người đề nghị làm đền tưởng niệm tử sĩ Hoàng Sa nhưng Liên đoàn Lao động chưa nghĩ đến.
- Trận hải chiến Hoàng Sa (1974) lâu nay ít được nhắc đến, trong khi cuộc vận động lần này có cả việc giúp đỡ gia đình, thân nhân của 74 binh sĩ Việt Nam Cộng hòa tử trận. Đây có được nhìn nhận như một dấu hiệu hòa hợp dân tộc?
- Quỹ xã hội từ thiện của Liên đoàn Lao động không phân biệt đối tượng nào. Đây là sự thể hiện lòng đoàn kết toàn dân. Binh sĩ ngã xuống ở Hoàng Sa hay ở Gạc Ma đều là những tấm gương hy sinh vì dân tộc. Họ đều đáng được trân trọng, thân nhân họ gặp khó khăn thì mình giúp đỡ.
Góp được tiếng nói cho sự đoàn kết toàn dân tộc là đáp ứng mục tiêu xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Chiều 13/3, tại Đà Nẵng, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã chính thức phát động chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa”, nhằm vận động tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ xây dựng đền tưởng niệm 64 chiến sĩ hy sinh trong trận Gạc Ma (14/3), đồng thời giúp đỡ thân nhân họ. Tại lễ phát động, Ban tổ chức đã quyên góp được 1,2 tỷ đồng và trao 6 suất quà cho thân nhân các liệt sĩ ở Gạc Ma, mỗi suất 50 triệu đồng. |
Nguyễn Hưng - Nguyễn Đông thực hiện