Chiều 15/8, trả lời chất vấn của các đại biểu về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong vụ án xăng giả do đại gia Trịnh Sướng (ở Sóc Trăng) điều hành, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, đường dây của Trịnh Sướng đã hoạt động nhiều năm, tổ chức bài bản và có liên quan tới nhiều cơ quan. Số xăng giả không chỉ tiêu thụ ở các tỉnh Nam Bộ mà lan ra miền Trung và một số tỉnh phía Bắc.
Việc phá án đã giúp công an giải đáp được một số vấn đề, ví dụ vì sao ôtô, xe máy đang lưu thông trên đường bỗng dưng bốc cháy và kết quả giám định cũng cho thấy loại xăng giả này có "ảnh hưởng đến hiệu suất động cơ và có thể gây hỏng động cơ".
Sau ý kiến của đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh thừa nhận vụ án Trịnh Sướng cho thấy sự phối hợp "chưa kịp thời" giữa các lực lượng quản lý, kiểm soát mặt hàng này, như Ban chỉ đạo 389, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương, quản lý thị trường... các các địa phương.
"Năng lực thực thi, kiểm soát của các lực lượng chức năng địa phương yếu kém nên không phát hiện được hành vi tinh vi của doanh nghiệp này", ông Tuấn Anh nói và cho biết sau khi có kết luận điều tra, Bộ Công Thương sẽ rút kinh nghiệm trong quản lý, đề xuất hoàn thiện các quy định để kiểm soát hơn chất lượng hàng hoá, chống nạn sản xuất, buôn bán hàng giả. Nhưng trong khi chờ kết luận của các cơ quan điều tra, để đẩy lùi vấn nạn xăng giả, hàng giả, ông Tuấn Anh cam kết sẽ siết lại sự phối hợp của các lực lượng quản lý.
Đầu tháng 6, Công an Đăk Nông khởi tố vụ án liên quan ông Trịnh Sướng (Chủ tịch Hội đồng thành viên, kiêm Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Hưng) và 22 người có liên quan.
Ông Sướng và các đồng phạm thừa nhận đã bán ra thị trường khoảng 19,5 triệu lít xăng giả với giá thấp hơn thị trường 7.000-10.000 đồng mỗi lít, thu lợi bất chính hơn 130 tỷ đồng. Bình quân mỗi tháng đường dây này tiêu thụ 6 triệu lít xăng giả.
Anh Minh