Sau hơn hai năm, viễn cảnh về việc xăng sinh học (E5), được ví với nguồn nhiên liệu thay thế giúp tăng tuổi thọ động cơ, giảm chi phí cho người tiêu dùng và đặc biệt là bảo vệ môi trường tốt hơn, sẽ trở thành loại nhiên liệu phổ biến đang dần rời xa.
Tại Hà Nội, xăng E5 chính thức cung cấp ra thị trường ngày 1/8/2010, với mức giá bán rẻ hơn từ 500 đồng/lít so với xăng RON92. Thời điểm đó, nó được quảng cáo khá rầm rộ, nhưng nay xăng E5 ngày càng xa lạ với người dân.
Tại cửa hàng xăng dầu Nghĩa Tân số 148 Hoàng Quốc Việt, có trên 100 lượt người dừng đổ xăng nhưng tất cả đều dắt thẳng xe và chấp nhận xếp hàng trước cột bơm xăng A92, không có trường hợp nào dừng lại tại cột bơm xăng E5, dù cột bơm này nằm ngay hàng đầu tiên, thuận tiện cho việc bơm xăng.
Tấm biển rất to quảng cáo xăng E5 được treo bên trong cây xăng, cũng không đủ thuyết phục người mua.
Chị Yến, nhà ở Hoàng Quốc Việt và là khách mua xăng cho biết, cũng từng một vài lần đổ xăng E5 và thấy xe chạy không có sự khác biệt gì so với dùng xăng A92, nhưng từ hơn 1 năm nay chị không mua loại xăng này nữa.
“Khi xăng E5 mới được bán, tôi cũng dùng thử do có giá rẻ hơn khoảng 500 đồng/lít so với xăng A92. Sau này giá thay đổi dần, cộng với những thông tin nghi vấn về nguyên nhân cháy xe ô tô, xe máy do chất này chất kia nên từ đó đến nay tôi lại quay lại sử dụng xăng A92 cho an toàn. Nếu giá xăng rẻ hơn tới 500 đồng/lít như trước đây thì có thể cũng có người mua”- chị nói.
Một nhân viên bán xăng tại đây cho biết, cửa hàng vẫn bán xăng E5 nhưng rất ít người mua, chỉ bán được khoảng vài trăm lít/ngày. Người mua xăng E5 chủ yếu là các khách quen và người đi xe máy. Lượng khách đi ô tô đổ xăng E5 rất hiếm.
“Có thể do người dân còn thiếu thông tin nên họ không mua. Còn chi tiết lượng bán thế nào thì phải gặp quản lý cửa hàng mà quản lý thì không có đây”- nhân viên này nói. Tình trạng vắng người mua xăng E5 cũng diễn ra tại cửa hàng xăng dầu Thái Thịnh, số 194 Thái Thịnh.
Nhân viên bán xăng tại đây cho biết, khi có thời gian rảnh các nhân viên ở đây đều tranh thủ tư vấn về lợi ích của xăng E5 cho khách mua hàng. “Khách mua ít có thể do họ thiếu thông tin mà thôi”- anh này nói.
Hiện Hà Nội có 3 cây xăng E5 (cây còn lại đặt tại Phú Xuyên) của Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), thì đều rất ít người mua.
Tại hội thảo “Thực trạng phát triển năng lượng sinh học tại Việt Nam”, Phó Tổng giám đốc PV Oil Lê Xuân Trình lý giải, sở dĩ xăng E5 chưa được người tiêu dùng biết tới vì đây là sản phẩm lần đầu tiên được đưa vào sử dụng tại Việt Nam. Ngoài ra, giá thành xăng E5 còn cao (ở vùng 2, xăng E5 đắt hơn A92 100 đồng/lít).
Khách hàng bỏ qua xăng E5, vào mua xăng A92 tại cửa hàng xăng của PV Oil ở đường Hoàng Quốc Việt. |
“Trong giai đoạn đầu phát triển thị trường nhằm đưa nguồn nguyên liệu sạch ra thị trường nhiều hơn, chúng tôi mong muốn nhà nước có chính sách hỗ trợ ban đầu về thuế, phí và có quy hoạch nguyên liệu cho sản xuất để giá thành giảm xuống”- ông Trình kiến nghị. Do xăng E5 không tiêu thụ được nhiều trong nước, nên hiện những nhà máy sản xuất ethanol phải tìm đối tác xuất khẩu, hoặc phải đóng cửa (như nhà máy Ethanol Đồng Xanh, Quảng Nam).
Ông Đặng Quốc Dũng, Phó giám đốc Công ty cổ phần nhiên liệu sinh học dầu khí miền Trung (PTSC), nói: “Các nước không có điều kiện để sản xuất năng lượng sạch, họ phải mua để dùng, còn ở ta sản xuất được lại đem bán, dân thì vẫn dùng xăng thông thường, gây hại tới môi trường. Không thể hiểu nổi”.
Theo ông Dũng, hiện nhà máy Ethanol Dung Quất của PTSC hiện đang chạy thử gần 50% công suất, nhưng phải đưa Ethanol đóng hàng, xuất khẩu ra nước ngoài. Đến nay PTSC đã sản xuất được khoảng 9.000 khối ethanol, bán được 5.500 khối.
Trong số này, PV Oil chỉ mua 300 khối để pha xăng E5 bán trong nước, số còn lại là xuất khẩu. “Chiến lược đề ra ban đầu là sản xuất E100 chủ yếu để pha chế xăng E5, nhưng sau đó, PV Oil chỉ lấy số lượng ít, bắt buộc chúng tôi phải xuất khẩu sang Philippines, Thái Lan và Singapore.
Như vậy, đề án sử dụng năng lượng sạch của Chính phủ, góp phần bảo vệ môi trường như đề ra ban đầu rõ ràng chưa đạt được hiệu quả”, ông Dũng nói. Hiện Ethanol Dung Quất là một trong 3 nhà máy sản xuất ethanol theo quy hoạch chiến lược của Chính phủ (gồm nhà máy ở Tam Nông- Phú Thọ, Bình Phước và Dung Quất- Quảng Ngãi).
Nay mới chỉ có 2 nhà máy ở Bình Phước và Quảng Ngãi trong giai đoạn chạy thử. Còn nhà máy Ethanol ở Đại Lộc (Quảng Nam, do Cty CP Đồng Xanh đầu tư) đã hoạt động từ 8-2011, đến nay tạm ngừng sản xuất đã 3 tháng. Nguyên nhân được các nhà đầu tư cho hay: Xăng sinh học E5 không thể tiêu thụ được. Kéo theo cả vùng nguyên liệu sắn hàng ngàn héc ta của nông dân bị ế.
Theo ông Dũng, sở dĩ phải xuất khẩu năng lượng sạch ethanol, vì ý thức bảo vệ môi trường của Việt Nam còn quá kém. Ngoài ra, do nhà nước chưa có chế tài cho việc bắt buộc dùng xăng E5.
“Các nước như Singapore, Thái Lan hay Philippines hiện đã bắt buộc dùng xăng E5 trong một số ngày nhất định, người dân họ hưởng ứng. Còn Việt Nam thì chưa. Đó là nguyên nhân chủ yếu khiến xăng E5 khó tiêu thụ. Chúng ta cứ lấy câu chuyện cấm pháo và bắt buộc đội MBH làm ví dụ, phải quyết liệt hơn nữa”.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Phú Cường, Vụ phó Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Công Thương nói: “Chính phủ đã giao Bộ Công Thương và các bộ ngành xây dựng lộ trình đưa xăng sinh học vào sử dụng theo lộ trình. Hiện bộ đang trình Thủ tướng đề án liên quan để xem xét, hy vọng sẽ được phê duyệt trong năm nay. Việc phê duyệt này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tiêu thụ xăng sinh học”.
Theo đề án Phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 11/2007, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và một số đối tác đầu tư xây dựng 3 nhà máy sản xuất ethanol tại Bình Phước, Phú Thọ và Dung Quất - Quảng Ngãi, với tổng công suất 300.000 m3/năm.
Tổng vốn dự toán ban đầu 270 triệu USD, nhưng thực tế đội vốn thêm hàng trăm tỷ đồng.
Sau khi chính thức vận hành thương mại, 3 nhà máy sẽ cung cấp cho thị trường khoảng 300.000m3 ethanol/năm, đủ để pha khoảng 6 triệu m3 xăng E5 mỗi năm.
Theo Tiền Phong