![]() |
Đĩa nhạc "xẩm chế" được bày bán tràn lan. Ảnh: Hải Minh |
"Xẩm chế" gồm những bài hát chế lời mới dựa trên giai điệu của những bài nhạc vàng thịnh hành trước năm 1975 như Lan và Điệp, Cát bụi, Đêm vũ trường... Bộ đĩa gồm 4 VCD do "ca sĩ" Quang Lê, tự xưng là "cựu tù", trình bày. Lồng trong tiếng hát ỉ ôi, than thân trách phận, là hình ảnh minh họa của những cô người mẫu nước ngoài đang uốn éo trong trang phục bikini hở hang.
Đĩa nhạc này tràn ngập những lời lẽ nhảm nhí, bất cần đời được sắp xếp theo mức độ ngày càng "nặng đô". Nhẹ "đô" nhất là những bài ở đoạn đầu của đĩa hát như Cát bụi, Đêm vũ trường với lời lẽ nhảm nhí như: "Những chiều đi trên phố, thấy em trong lòng Việt kiều. Môi son má đào, áo em nửa mặc nửa khoe...". Càng về sau mức độ nhảm nhí, tục tĩu ngày càng được đẩy lên cao theo chiều dài của đĩa nhạc như: "Em ơi, ở nhà còn đâm đâm chém chém như ngày xưa?", rồi thì "Em có thương anh, cho anh gói con Mèo. Rồi anh kể chuyện tù cho nghe!", hay là "Giờ anh nằm Bố Lá, nàng lên nàng bố láo... Giờ hiểu được lòng em. Lòng em là trâu chó. Đáng đâm con đàn bà!".
Mỗi đĩa nhạc có độ dài gần một tiếng đồng hồ, trung bình khoảng 7 bài. Tất cả "bài hát" trên đều do ca sĩ Quang Lê cải biên một cách "ngẫu hứng" trong trại giam để giải bày tâm sự của "kiếp tù đày". Giai thoại về một "nghệ sĩ" với những tâm sự sau song cửa sắt đã được lan truyền với tốc độ chóng mặt. Hiện nay, các đĩa nhạc loại này đang là "sốt" trong làng băng đĩa lậu. Nếu không phải là khách quen sẽ không mua được loại đĩa này. Khách lạ đến dù năn nỉ đến mức nào chủ cũng nhất định không bán. Tuy nhiên, hiện nay việc sao chép đĩa quá dễ dàng nên dù khó tìm, nhưng các bài nhạc chế cũng đã kịp xâm nhập vào giới trẻ.
"Tầm ảnh hưởng" của những đĩa nhạc "xẩm chế" ngày càng lan rộng, từ trung tâm thành phố đến các quận, huyện ở ngoại thành như Bình Chánh, Bình Tân, Quận 4... Ở Ký túc xá ĐH Khoa học Tự nhiên, sinh viên chuyền tay nhau những đĩa CD chép vào máy vi tính. Nhiều khi cao hứng, những sinh viên này còn có thể "phục vụ" liền tù tì những liên khúc của "xẩm chế".
Chị Hiếu, nhà ở quận 1, cho biết: "Vừa mới nghe râm ran nhạc này ở khu vực nhà chị. Vài hôm sau, có dịp đi sang khu Phú Lâm đã nghe mở đầy loại nhạc này ngoài đường". Theo chị, đối tượng của những loại nhạc này là những người có thu nhập thấp, những thanh niên đua đòi theo "mốt"...
Ngoài ra, trên thị trường còn một số đĩa nhạc chế khác có nguồn gốc hải ngoại như tấu hài Vân Sơn được bày bán ở các hiệu băng đĩa ở "chợ trời" băng đĩa Huỳnh Thúc Kháng, Bùi Thị Xuân, Nguyễn Chí Thanh, cầu Điện Biên Phủ... Những đĩa này cũng không kém những lời lời lẽ kém văn hóa như: "Hết tiền tiêu, người yêu tôi cũng bán. Bán 500 để lấy tiền tiêu. Tiền tiêu xong lại nhớ đến người yêu. Ở đợ 3 năm để... đi chuộc người tình" được cải biên từ bài Tiếng chày trên soc Bom Bo. Hay "Một ngàn năm nô lệ vợ Tàu, một trăm năm nô lệ vợ Tây... Gia tài của vợ, là từng cơn ghen. Gia tài của vợ là tiếng cằn nhằn" (nhái bài Gia tài của mẹ của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn)...
Trước hiện tượng này, nhạc sĩ Minh Châu cho rằng đúng ra việc đặt lời mới cho bài hát dựa trên giai điệu có sẵn cũng là việc bình thường nếu như lời mới đó nghiêm túc và có ý nghĩa. Tuy nhiên việc sáng tác lời chế với nội dung nhảm nhí lại là một việc làm thiếu tôn trọng người sáng tác. "Bản thân là một nhạc sĩ, khi nghe những lời nhạc xuyên tạc trên, tôi cảm thấy rất bức xúc và khó chịu", ông Châu nói.
Hiện nay, các cơ quan chức năng vẫn bó tay trước hiện tượng nhạc chế nói riêng và băng đĩa ngoài luồng nói chung. Ông Quốc Dũng, cán bộ Phòng thanh tra Sở Văn hóa - Thông tin cho biết chưa hay biết về loại nhạc này. Ông cũng thừa nhận, đoàn thanh tra vẫn thường xuyên tổ chức những đợt kiểm tra, nhưng không sao dẹp hết được loại băng đĩa ngoài luồng trên.
(Theo Ngôi Sao)