Vẹt không phải là động vật bản xứ ở Atacama, sa mạc khô nhất thế giới, nhưng các nhà nghiên cứu tìm thấy lông và xác ướp chim ở những khu vực khảo cổ trong vùng, theo thông báo hôm 29/3 từ Đại học Pennsylvania. Nhiều con vẹt được ướp sau khi chết, một số chết trong tư thế há miệng thò lưỡi, trong khi số khác có đôi cánh sải rộng như đang bay. Đồng tác giả nghiên cứu José M. Capriles, trợ lý giáo sư nhân chủng học ở Đại học Pennsylvania, cho rằng điều này thật khó lý giải, nhưng tập tục ướp xác có thể nằm trong nghi thức gắn liền với khả năng bắt chước tiếng người của vẹt.
Nhóm nghiên cứu tới thăm các bảo tàng ở khắp miền bắc Chile trong gần 3 năm để nghiên cứu xác vẹt tìm thấy trong vùng. Các nhà khoa học sử dụng phân tích cổ động vật học, phục dựng thức ăn qua đồng vị phóng xạ, xác định niên đại bằng đồng vị carbon và kiểm tra ADN cổ đại để tìm hiểu đời sống của những con chim. Họ nhận thấy chúng được đưa tới Atacama từ Amazon, ở cách đó khoảng 480 km, vào khoảng năm 1100 - 1450. Thời kỳ đó ghi nhận nhiều hoạt động thương mại, với số lượng xe thồ bằng lạc đà qua lại trên dãy Andes ngày càng tăng.
"Việc đưa những con chim còn sống qua dãy Andes cao hơn 3.048 m thật thú vị", Capriles nhận xét. "Chúng hẳn phải được vận chuyển qua những thảo nguyên rộng lớn, thời tiết lạnh giá và địa hình gồ ghề để tới Atacama. Và chúng phải còn sống".
Sự xuất hiện của những con chim có từ trước thời Đế chế Inca và Tây Ban Nha thuộc địa hóa khu vực, góp phần đưa ngựa tới Nam Mỹ lần đầu tiên. Lạc đà không phải vật thồ tốt nhất bởi chúng không khỏe, theo Capriles.
Sau khi đám vẹt tới Atacama, chúng sẽ được nuôi làm thú cưng nhưng thường xuyên bị vặt lông để làm trang sức cài tóc, giúp thể hiện độ giàu có và quyền lực. Những con vẹt ăn cùng loại thức ăn như chủ nuôi, nhưng mối quan hệ giữa chúng và con người rất phức tạp. Một số con vẹt không sống vui vẻ. Chúng liên tục mọc lông và lông của chúng bị vặt ngay sau khi dài ra.
Các nhà nghiên cứu vẫn còn nhiều câu hỏi cần giải đáp về xác ướp vẹt và cách sử dụng chúng. Capriles đang lên kế hoạch tiếp tục nghiên cứu trong vùng. Kết quả phát hiện được công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences.
An Khang (Theo CNN)