Andrea Fischer, nhà băng hà học ở Viện nghiên cứu núi liên ngành ở Innsbruck, hôm 4/8 sử dụng cưa máy để lấy xác ướp của một con sơn dương lên khỏi mặt sông băng trên dãy Alps. Fischer và cộng sự xác định đây là con sơn dương cái còn ít tuổi, cao không quá 0,6 m. Họ cho rằng nó có niên đại khoảng 500 năm.
Khi đang kiểm tra trạm thời tiết, một đồng nghiệp của Fischer là Martin Stocker-Waldhuber trông thấy cặp sừng của linh dương nhô lên khỏi lớp băng đang tan chảy ở độ cao hơn 3.353 m trên Gepatschferner, sông băng lớn ở biên giới Italy vào mùa hè năm ngoái. Nhưng vào lúc đó, phần xác ướp phát lộ quá nhỏ để có thể lấy ra an toàn trước khi tuyết mùa đông chôn vùi nó lần nữa. Sau khi lượng lớn băng tan chảy vào mùa hè năm nay, các nhà nghiên cứu có thời gian ngắn ngủi để thu thập xác sơn dương.
Tại độ cao hàng nghìn mét, thời tiết có thể thay đổi trong chớp mắt, khiến bay bằng trực thăng quá nguy hiểm. Nếu lộ ra hoàn toàn ngoài trời, xác ướp sẽ bị kền kền râu phía trên sông băng ăn hoặc bị phân hủy nhanh chóng. Điều đó khiến Fischer không có thời gian để làm việc tỉ mỉ như một nhà khảo cổ. Sau khi giải phóng sơn dương đông cứng bằng cưa và rìu băng, cô nhấc nó lên và đặt trên một tấm nhựa và quấn kỹ.
Lớp da đã tuột khỏi đầu con vật, kéo theo một chiếc sừng và để lộ hốc mắt sâu của nó, nhưng phần da ở xương sống và lồng ngực vẫn nguyên vẹn. Những túm lông màu nâu hạt dẻ bao phủ phần chân có móng guốc của sơn dương. Con vật khoảng hai năm tuổi.
Sông băng trên dãy Alps đang tan chảy ở tốc độ nhanh chưa từng có vào mùa hè năm nay. Fischer tính toán 7 m băng sẽ tan chảy trên bề mặt sông băng phía đông Alps, vượt xa mọi năm trước. Theo Albert Zink, giám đốc Viện nghiên cứu xác ướp Eurac Research ở Bolzano, Italy, với tốc độ tan chảy này, ngày càng nhiều xác người và động vật sẽ lộ ra.
Xác ướp sơn dương đang được lưu trữ an toàn trong tủ đông - 20 độ C bên ngoài Innsbruck, ở trung tâm nghiên cứu Ferdinandeum, bảo tàng Tyrolean. Các nhà nghiên cứu sẽ chụp cắt lớp con vật và kiểm tra bên trong ruột. Thông qua nghiên cứu nó cùng với một xác ướp sơn dương 400 tuổi khác tìm thấy năm 2020, họ hy vọng có thể tìm hiểu nhiều hơn về loài này cũng như lý do hai con vật lang thang trên sông băng và chết ở đó. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để tìm hiểu nhiều hơn về quá trình ướp xác tự nhiên.
An Khang (Theo National Geographic)