Nhà Ai Cập học Zahi Hawass và giáo sư X-quang học Sahar Saleem tại Đại học Cairo sử dụng phương pháp chụp cắt lớp để xác định một công chúa Ai Cập cổ đại chết do lên cơn đau tim. Tư thế của xác ướp tìm thấy ở Luxor, Ai Cập, cho thấy sau khi chết nhiều giờ người phụ nữ mới được phát hiện. Khoảng thời gian đó đủ lâu để xuất hiện trạng thái co cứng tử thi, khiến những người ướp xác bảo quản nguyên vẹn hài cốt ở tư thế qua đời.
Các nhà nghiên cứu hầm mộ DB320, nơi các quan tư tế ở vương triều thứ 21 và 22 dùng để giấu hài cốt của thành viên hoàng thất. Trước đó, nguyên nhân tử vong và danh tính của xác ướp vẫn là điều bí ẩn. Nghiên cứu của Hawass và Saleem hé lộ chứng xơ vữa động mạch vành nghiêm trọng khiến vị công chúa tử vong đột ngột vì đau tim. Người phụ nữ bị xơ vữa động mạch vành trái và phải, động mạch cổ, động mạch chủ bụng, động mạch chậu gốc và chi dưới. Xơ vữa động mạch là bệnh thoái hóa ảnh hưởng tới thành động mạch, làm hẹp lòng mạch và tắc nghẽn mạch máu.
Nhóm nghiên cứu xác định danh tính của người chết dựa vào dòng chữ viết bằng tiếng Ai Cập cổ đại trên những dải vải lanh quấn quanh xác ướp, có nghĩa "Con gái hoàng thất, chị gái của Meret Amon". Kết quả chụp cắt lớp cũng chỉ ra người phụ nữ chết cách đây 3.000 năm và được ướp xác cẩn thận.
"Chúng tôi nhận định những người ướp xác tiến hành bảo quản xác chết trước khi tử thi phân hủy hoặc giãn ra. Do đó, họ không thể làm người chết khép miệng hoặc nằm thẳng lưng như với các xác ướp khác", Hawass giải thích.
An Khang (Theo Sun)