Hành tinh Proxima b có khối lượng lớn gấp 1,17 lần Trái Đất và nằm trong khu vực ở được quanh sao lùn đỏ Proxima Centauri. Proxima b mất 11 ngày để hoàn thành một vòng quanh sao chủ, theo nghiên cứu công bố hôm 28/5 trên tạp chí Astronomy & Astrophysics.
Nhà nghiên cứu Mikko Tuomi ở Đại học Hertfordshire tìm thấy bằng chứng đầu tiên về sự tồn tại của hành tinh này từ kho dữ liệu quan sát năm 2013 và tiếp tục nghiên cứu năm 2016. Proxima b được cho là "có khả năng" hỗ trợ sự sống ngoài hành tinh phát triển.
Các nhà nghiên cứu phát hiện Proxima b bằng cách đo vận tốc xuyên tâm, sử dụng quang phổ kế Echelle dành cho những hành tinh đá (ESPRESSO) lắp trên một kính viễn vọng ở Chile. Thiết bị này chính xác gấp 3 lần HARPS, một quang phổ kế khác được sử dụng để đo vận tốc của Proxima Centauri.
Vận tốc xuyên tâm là sự thay đổi khoảng cách hướng về hoặc ra xa so với người quan sát theo thời gian, thường được đo bằng hiệu ứng Doppler từ bức xạ thu được phát ra từ ngôi sao. Khi một hành tinh quay quanh ngôi sao, lực hấp dẫn của nó khiến ngôi sao đung đưa. Sự xê dịch cực nhỏ này khiến quang phổ ánh sáng quan sát được từ ngôi sao thay đổi đôi chút và có thể phát hiện bằng những thiết bị độ nhạy cao. ESPRESSO phát hiện rối loạn rất nhỏ trong chuyển động của Proxima Centauri, giúp các nhà nghiên cứu nhận biết sự tồn tại của hành tinh. Proxima Centauri ở cách Mặt Trời 4,2 năm ánh sáng, nhưng NASA ước tính chúng ta có thể mất khoảng 73.000 năm để tới hành tinh Proxima b trừ khi phát triển công nghệ mới như sử dụng động cơ ion, động cơ nhiệt hạt nhân, tên lửa nhiệt hạch hay tia laser.
Theo Alejandro Suarez Mascareño, trưởng nhóm nghiên cứu, việc xác nhận sự tồn tại của Proxima b có ý nghĩa quan trọng. Đây là một trong số những hành tinh thú vị nhất ở hệ sao lân cận. Dù Proxima b ở gần ngôi sao chủ gấp 20 lần so với khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trời, hành tinh này nhận được năng lượng tương đương. Nếu nước lỏng tồn tại trên hành tinh, nó có thể chứa sự sống. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết vẫn còn nhiều điều cần tìm hiểu như liệu khí quyển hành tinh có ngăn được những tia vũ trụ độc hại hay không và nếu khí quyển tồn tại, nguyên tố hóa học có thúc đẩy phát triển sự sống hay không?.
An Khang (Theo Independent)