"Các cơ quan chức năng Việt Nam quan tâm, đang xác minh thông tin này. Cần nói thêm rằng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 quy định rõ các quốc gia có nghĩa vụ bảo vệ và gìn giữ môi trường biển, cũng như tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển được xác định phù hợp với UNCLOS 1982", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói trong cuộc họp báo thường kỳ chiều nay, khi được đề nghị bình luận về thông tin nồng độ phóng xạ Iodine-129 tăng cao tại các rạn san hô trên Biển Đông.
Bà Hằng cho rằng việc sử dụng, khai thác và vận chuyển phương tiện, thiết bị, vật liệu có nguy cơ gây mất an toàn bức xạ và an toàn hạt nhân cần tuân thủ quy định luật pháp quốc tế, các quy tắc, quy chuẩn về bảo đảm an toàn bức xạ và an toàn hạt nhân của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), cũng như không gây ảnh hưởng đến duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực.
Các nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Hạt nhân (PNRI) thuộc Bộ Khoa học Công nghệ Philippines hồi đầu tháng 12 thông báo phát hiện nồng độ phóng xạ trong các rạn san hô ở Biển Đông tăng bất thường, cao hơn mức ghi nhận ở những vùng bờ biển Philippines.
Giám đốc PNRI Carlo Arcilla cho biết đã đưa ra báo cáo trong cuộc họp trực tuyến của Mạng lưới các cơ quan pháp quy về năng lượng nguyên tử ASEAN (ASEANTOM) do Việt Nam chủ trì ngày 30/11, đồng thời kêu gọi điều tra sâu hơn về vấn đề.
Phóng xạ được phát hiện thông qua phân lập đồng vị Iodine-129 từ các mẫu vật trên biển. Giám đốc Arcilla cho biết đây là sản phẩm của phản ứng phân rã hạt nhân, thường được tạo ra từ lò phản ứng hạt nhân hoặc nhà máy điện hạt nhân. "Chúng tôi chưa biết nguyên nhân, đây mới là đánh giá sơ bộ", ông nói, thêm rằng điều này có thể xảy ra bởi hoạt động của các tàu hải quân trong khu vực.
Vũ Anh