"Các lực lượng chức năng luôn giám sát chặt chẽ mọi hoạt động trên vùng biển của Việt Nam được xác định theo Công ước luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS)", bà Lê Thị Thu Hằng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, cho biết chiều nay.
Tàu hải cảnh cùng hàng chục tàu cá Trung Quốc đã tiến vào vùng biển quần đảo Natuna từ giữa tháng trước, khiến Indonesia triệu đại sứ Trung Quốc tại Jakarta lên để phản đối. Hôm 4/1, Indonesia triển khai 8 tàu chiến cùng 4 chiến đấu cơ tới vùng biển này. Các tàu Trung Quốc sau đó rời đi và hướng về phía bắc, theo Reuters.
"Các bên không nên làm phức tạp tình hình, có đóng góp thiết thực, phù hợp, tích cực thúc đẩy việc duy trì hoà bình ổn định và tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác ở khu vực", bà Hằng nói. Bà cũng khẳng định mọi hoạt động trên vùng biển của Việt Nam cần tuân thủ các quy định liên quan của Việt Nam và quy định của UNCLOS.
Người phát ngôn cũng nhắc tới việc Malaysia hôm 12/12/2019 đệ trình báo cáo thềm lục địa mở rộng ở Biển Đông lên LHQ. Điều này gây quan ngại thềm lục địa mở rộng đệ trình của họ có thể chồng lấn lên thềm lục địa các nước khác.
Năm 2009 Việt Nam - Malaysia từng nộp báo cáo chung về ranh giới thềm lục địa vượt quá 200 hải lý ở khu vực phía Nam Biển Đông lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp Quốc (LHQ).
Người phát ngôn ngoại giao tái khẳng định quan điểm của Việt Nam đã nêu ra trước đây.
"Việt Nam bảo lưu quyền chủ quyền với thềm lục địa mở rộng, bên ngoài 200 hải lý khu vực giữa Biển Đông như đã nêu tại công hàm gửi Uỷ ban ranh giới thềm lục địa LHQ năm 2009", bà Hằng nói.