"Vụ khủng bố bạo lực xảy ra ở Bắc Kinh là một hành động có âm mưu và tổ chức", ông Mạnh Kiến Trụ, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Ủy ban Chính pháp Trung Quốc, cho biết hôm nay trong một đoạn video phát trên kênh truyền hình Phoenix. "Những kẻ ủng hộ sau hậu trường là nhóm khủng bố Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) tại trung và tây Á".
Theo AFP, ông Mạnh đưa ra tuyên bố trên trong một chuyến thăm Uzbekistan và đến văn phòng chống khủng bố của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), tổ chức an ninh khu vực gồm Nga, Trung Quốc và một số nước Trung Á. Tuy nhiên, ông không hé lộ thêm chi tiết nào. Nhóm khủng bố trên cũng chưa tuyên bố nhận trách nhiệm.
ETIM được biết đến như một nhóm chiến binh Hồi giáo ly khai đang tìm cách gây dựng một nhà nước độc lập ở Tân Cương, khu tự trị bất ổn phía tây bắc xa xôi của Trung Quốc.
Năm 2002, Mỹ và Liên Hợp Quốc đều xác định ETIM là một tổ chức khủng bố, trong quá hợp tác giữa Washington và Bắc Kinh sau vụ tấn công ngày 11/9/2001. Tuy nhiên, sức mạnh và mối liên hệ giữa nhóm này với chủ nghĩa khủng bố thế giới vẫn chưa được làm rõ.
Theo ông Michael Clarke, giáo sư ở trường đại học Griffith, Sydney, tác giả một cuốn sách về chính sách hội nhập của Trung Quốc ở Tân Cương, ETIM có quan hệ với Pakistan và các nước Trung Á.
Vụ tấn công ở Thiên An Môn diễn ra vào hôm 28/10, khi một chiếc xe thể thao đa dụng (SUV) lao vào hàng chục khách du lịch rồi bốc cháy, làm ba người trên xe và hai du khách thiệt mạng.
Trung Quốc hôm qua tuyên bố đây là một vụ tấn công khủng bố có tổ chức và thông báo bắt được 5 nghi phạm. Các nghi phạm đều là người dân tộc Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi tại khu tự trị Tân Cương.
Bắc Kinh cho hay các chính sách và đầu tư vào Tân Cương đã mang lại nhiều phát triển to lớn ở khu vực này. Kinh tế Tân Cương đã tăng 10,8% lên 570 tỷ nhân dân tệ (94 tỷ USD) trong 9 tháng đầu năm nay.
Tuy nhiên, Tân Cương vẫn là nơi thường xuyên xảy ra các vụ bạo lực mà Bắc Kinh gọi là tấn công khủng bố. 35 người đã thiệt mạng trong một vụ đụng độ hồi tháng 6 và 139 người đã bị bắt giữ trong những tháng gần đây vì truyền bá tư tưởng thánh chiến.
Vụ bạo lực tồi tệ nhất ở Tân Cương xảy ra năm 2009 do mâu thuẫn giữa người Duy Ngô Nhĩ và người Hán. Khoảng 200 người thiệt mạng trong vụ này.
Anh Ngọc