Theo tiến sĩ Vũ Văn Bằng, hai điểm ở cách cầu Thanh Trì khoảng 300 m và 700 m, một điểm ở gần Bát Tràng, điểm khác ở bãi bồi xã Văn Đức (đều thuộc huyện Gia Lâm) và điểm ở xã Vạn Phúc (huyện Thanh Trì).
Kết quả được đưa ra sau khi phân tích số liệu trong 8 ngày tìm kiếm xác nạn nhân vụ Cát Tường cả trên cạn và dưới nước bằng phương pháp địa bức xạ. Tiến sĩ Bằng và các đồng nghiệp đã "sàng lọc" gần 50 điểm trên cơ sở tính toán tốc độ dòng chảy. Nhóm cũng dựa vào độ lắng và phù sa, rồi xem xét khả năng bồi lắng.
"Chúng tôi còn dựa vào vật lý cơ thể người, trọng lượng của nạn nhân, nilon trôi nổi ra sao, rồi ước lượng tính toán với nhiều yếu tố khác", tiến sĩ Vũ Bằng nói và cho hay nhóm khoa học đang lập báo cáo gửi cơ quan chức năng.
Nói về tỷ lệ thành công, ông Bằng nhận định: "Trong vụ việc này, thành công của chúng tôi chỉ là 60%, còn lại phụ thuộc vào việc khai quật, đội thợ lặn, rồi thiết bị máy xúc...". Để có kết quả tốt, ông Bằng đề nghị không dùng biện pháp mò, mà nên dùng gầu múc sẽ dễ dàng hơn vì xác người có thể ở rất sâu.
Trong trường hợp xác chị Huyền không ở 5 điểm trên, tiến sĩ Vũ Bằng cho biết sẽ kiểm tra lại một số điểm khác trong số gần 50 điểm nghi vấn.
Trước thông tin nhiều người nghi ngờ ưu điểm của chiếc máy địa bức xạ, ông Bằng cho biết, ông đã làm thí nghiệm: đặt xương động vật tại địa điểm cách cầu Thanh Trì khoảng 300 m, tuy nhiên thiết bị vẫn chỉ hướng về địa điểm mà ông nghi có thi thể người.
Tia đất - địa bức xạ là dạng vật chất bao gồm tất cả những tia phát ra từ vỏ cứng của trái đất và lan tỏa lên mặt đất dưới dạng bức xạ - dạng trường. Nói cách khác, đó là những tia được sản sinh bởi hiện tượng bức xạ của những vật chất khác nhau từ dưới đất. Đó chính là một trong những thành phần của môi trường sống. "Phương pháp dùng máy địa bức xạ là phương pháp dựa trên cơ sở khoa học, không phải mới. Nó từng được sử dụng để tìm những thứ ở dưới mặt đất như khoáng sản có ích, quặng mỏ, kể cả khảo cổ, đặc biệt là tìm mồ mả, hài cốt", ông Bằng cho hay. |
Hương Thu